日本での幸せライフレシピ
Ý NGHĨA CỦA 3 CON SỐ 3-5-7 ĐỐI VỚI TRẺ EM NHẬT BẢN
(日本の子供と3・5・7の番号)
Shichigosan được dịch ra tiếng Việt là “bảy năm ba” là một sự kiện để cầu nguyện cho sự phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc của trẻ em vào ngày 15 tháng 11 hàng năm. Vậy tại sao lại là cột mốc 3-5-7 thì chúng ta tìm hiểu nhé.
Nguồn gốc
Shichigosan có nguồn gốc từ nghi lễ thời Heian, người ta cho rằng nguồn gốc của Shichigosan là nghi lễ “cài tóc” cho trẻ 3 tuổi, “mặc hakama” cho trẻ 5 tuổi và “đeo Obi” cho trẻ 7 tuổi được thực hiện vào thời Heian. Trước đây, tỷ lệ tử vong ở trẻ em rất cao nên họ đã kỷ niệm sự phát triển ở những cột mốc quan trọng này và cầu nguyện cho sự trường thọ, hạnh phúc của con cái. Ngay cả trong thời đại hiện nay khi sự chăm sóc y tế đã phát triển thì Shichigosan vẫn được diễn ra như một nét truyền thống đẹp của Nhật Bản.
3 – 5 tuổi – 7 nghĩa là gì?
Lý do để tổ chức lễ Shichigosan ở độ tuổi 3, 5 và 7 là theo quan niệm từ thời xa xưa của người Nhật Bản, 3 con số trên biểu thị cho sự may mắn. Nên họ lấy mốc 3 – 5 – 7 tuổi để tổ chức với mong muốn cầu sự bình an, may mắn đến với con trẻ bằng các nghi lễ “kamioki”, “hakama” và “obitoke”. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
3 tuổi: Kamioki
Kamioki là một nghi lễ được thực hiện vào thời điểm đứa trẻ bước sang tuổi thứ 3, và được đặt sợi tóc trắng tượng trưng lên đầu để cầu nguyện cho sự trường thọ, sống lâu cho đến khi tóc bạc trắng. Vào khoảng thời Heian, trẻ sơ sinh có phong tục cạo trọc đầu khi sinh ra được 7 ngày, nên khi tóc bắt đầu mọc là dấu hiệu cho thấy chúng đang phát triển an toàn.
5 tuổi: Hakama
Hakama là một nghi lễ được thực hiện khi một đứa trẻ mặc hakama lần đầu tiên. Ở thời Heian, nó được thực hiện vào độ tuổi 5 đến 7 mà không phân biệt giới tính. Nhưng đến thời kỳ Edo, nó trở thành một nghi lễ chỉ dành cho các bé trai, và độ tuổi được xác định là 5 tuổi. Và đó cũng chính là nguồn gốc của Shichigosan
7 tuổi: Obitoke
Đây là nghi thức tháo dây đai mà các bé gái sử dụng từ trước đến nay và buộc chiếc obi rộng như người lớn. Vào thời Muromachi, nó được tổ chức vào khoảng 9 tuổi không phân biệt giới tính, nhưng vào thời kỳ Edo nó đã trở thành một nghi lễ được thực hiện cho các bé gái lên 7 tuổi.
Các hoạt động trong ngày lễ Shichigosan
Hiện nay, nhiều gia đình tổ chức ngày lễ cho con cái tương đối tự do, không còn quá cầu kì như ngày xưa, nhưng thường thường sẽ có những hoạt động chính như sau
- Đến đền thờ cầu may
Vào các ngày lễ hay sự kiện chào đón năm mới thì người dân Nhật rất hay đến các đền thờ để cầu sự may mắn, an lành và ngày lễ Shichigosan cũng không ngoại lệ. Bố mẹ sẽ mặc bộ trang phục truyền thống cho trẻ và đến các đền thờ để tạ ơn các thần linh đã che chở cho con em được sống, được khỏe mạnh, và luôn gặp may mắn trên con đường trưởng thành.
- Chụp ảnh kỉ niệm
Để đánh dấu từng cột mốc quan trọng và muốn tạo nhiều kỉ niệm cho con mai sau, nhiều phụ huynh đưa con mình đi chụp những bộ ảnh kỉ niệm với nhiều thể loại đa dạng khác nhau tùy vào nhu cầu mong muốn riêng.
- Tặng kẹo ngàn năm tuổi “chitose ame”
Là một loại kẹo mảnh dài màu đỏ trắng, tượng trưng cho sự phát triển khỏe mạnh và trường thọ. Được gói trong một cái bao có trang trí hình con hạc hoặc rùa, biểu tượng cho cuộc sống bền lâu.
Nói theo cách khác, ngày lễ Shichigosan còn là ngày lễ chúc phúc cho trẻ em được khỏe mạnh, bình an trong cuộc sống. Tuy hình thức không còn cầu kì như xưa nữa nhưng vẫn là ngày lễ được đông đảo mọi người hưởng ứng sự đánh dấu ngày trưởng thành của con.