日本での幸せライフレシピ
Văn hóa đặc trưng của Nhật Bản dưới góc nhìn của người nước ngoài
(外国人から見た日本の文化)
Nhật Bản là quốc gia có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa. Do sự biệt lập với các quốc gia khác tại châu Á trong nhiều thế kỷ cho tới thời kỳ mở cửa vào năm 1868, nên từ lâu Nhật Bản đã hình thành nên nhiều nét riêng về phong tục, tập quán, chính trị, kinh tế và văn hóa… Những đặc điểm đó kết hợp cùng vô vàn yếu tố đặc sắc, thú vị khác đã tạo nên một xã hội được xưng tụng là “hoàn hảo”. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số nét văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc dưới góc nhìn của người nước ngoài nhé!
Văn hóa tối giản
Người Nhật rất ưa chuộng lối sống tối giản [ミニマリズム (minimarizumu)]. Họ thường giảm bớt đồ đạc ra khỏi nhà tới mức tối thiểu để có một cuộc sống tốt hơn và có nhiều thời gian hơn. Họ quan niệm quá nhiều đồ đạc sẽ đánh mất sự tự do của bản thân nên chỉ giữ lại những đồ vật cần thiết và thực sự quan trọng. Văn hóa Nhật quan niệm biết tận dụng những món đồ quan trọng sẽ giúp hạn chế việc mua những đồ mới cũng như giảm chi phí sinh hoạt, tăng không gian sinh hoạt, giảm thời gian làm việc nhà và có thêm nhiều thời gian dành cho bản thân. Đặc biệt, trong các trận động đất hay sóng thần Nhật Bản, những người sở hữu ít đồ đạc được xem là sẽ ít có nguy cơ chấn thương, tỷ lệ sống sót cũng cao hơn.
Văn hóa lễ nghĩa, giao tiếp
Dù Nhật Bản là một trong những nước phát triển, song người Nhật vẫn giữ được truyền thống lễ nghĩa, ứng xử lâu đời. Họ coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc và luôn đề cao truyền thống hiếu nghĩa với cha mẹ và tổ tiên, thủy chung vợ chồng, trung thành với bạn, kính trọng thầy và phục tùng lãnh đạo. Trong giao tiếp, người Nhật chào nhau bằng cách gập người xuống (ojigi) và độ hạ thấp tùy thuộc địa vị xã hội của hai người. Một nét văn hóa khác là việc trao đổi danh thiếp. Mỗi lần giới thiệu hay mới gặp mặt, họ trao danh thiếp cho nhau với thái độ cung kính, lễ độ. Trong tiếng Nhật còn có một hệ thống các kính ngữ phức tạp được gọi là “Keigo”, tùy vào người được nói tới mà cần sử dụng kính ngữ thích hợp.
Khi đến Nhật Bản, người nước ngoài được khuyên nên học cách “nhập gia tùy tục” và bình tĩnh trước những điều không vừa ý, tỏ thái độ thân thiện, không nên nổi giận hay to tiếng. Người Nhật dễ gần, giao tiếp cởi mở, thoải mái, nói đủ to, vừa phải, thích tranh cãi, ham học hỏi, năng động, cần cù, coi trọng đạo đức và yếu tố tinh thần. Họ tự trọng cao, không muốn làm ăn hay qua lại với ai đã gây tổn thương tình cảm của họ.
Văn hóa cổ truyền
Ở Nhật Bản có nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền như: Trà đạo (茶道; Chadō – nghệ thuật pha và thưởng thức trà), Thư đạo (書道; Shodō – nghệ thuật viết chữ đẹp), Kiếm đạo (県道; Kendō – nghệ thuật sử dụng kiếm, nay trở thành một môn thể thao), Hoa đạo (華道; Kadō – nghệ thuật cắm hoa), Thư họa (書画; Shoga – nghệ thuật vẽ tranh bằng mực Tàu, bút lông hoặc viết chữ nghệ thuật giống như đang vẽ), Nhu đạo (儒道; Judō – một môn võ truyền thống của Nhật với các thế vật, ngoài ra đòi hỏi người học phải có cốt cách), Không thủ đạo (空手道; Karate-dō – một môn võ truyền thống của Nhật)… Nhật Bản còn là quốc gia có nhiều lễ hội (matsuri) được tổ chức quanh năm theo các nghi lễ cổ của Thần đạo với các nhạc cụ như chuông, trống và các chiếc xe Mikoshi được rước đi cùng đoàn người nườm nượp.
Văn hóa giải trí
Manga (漫画; mạn hoạ) là truyện tranh của Nhật Bản. Ban đầu đó chỉ là những câu chuyện được minh họa bằng tranh, tuy nhiên sau Thế chiến thứ 2, manga ngày càng phát triển và nhanh chóng trở thành một nét văn hóa của Nhật Bản. Các tác phẩm nổi tiếng được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới và nhiều lần được chuyển thể thành anime (phim hoạt hình phong cách Nhật) có thể kể đến như Astro Boy, Doraemon, Meitantei Konan, Dragon Ball… Các anime (アニメ) thường được chuyển thể từ những bộ manga nổi tiếng (như Doraemon), hoặc ngược lại, anime làm cảm hứng cho manga (như 5cm/s). Theo nhiều thống kê, anime chiếm tới 70% sản lượng phim hoạt hình trên toàn thế giới. Cùng với manga, anime cũng đã trở nên quen thuộc, đại diện cho văn hóa giải trí hiện đại Nhật Bản, được mến mộ ở nhiều nơi trên thế giới.
Văn hóa ẩm thực
Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng vì sự tinh tế, cân bằng và tốt cho sức khỏe ; không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng vào sự tươi ngon, nguyên bản của món ăn. Là một quốc đảo bốn bề là biển, hải sản luôn hiện hữu trong khẩu phần ăn của người Nhật. Giống hầu hết các nước châu Á khác, lương thực chính của Nhật Bản là gạo. Người Nhật cuộn gạo nấu chín cùng các loại nhân ăn kèm đa dạng trong những tấm rong biển sấy để tạo thành món sushi, được coi là quốc thực của Nhật Bản. Ngoài ra, đậu nành, rượu sake và bột trà xanh cũng tạo nên đặc trưng nổi bật trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.