日本での幸せライフレシピ
Trường tiểu học và nhà trẻ Nhật đang phòng chống covid như thế nào?
(日本の小学校と保育園のコロナ対策)
Ai cũng biết việc nhà trẻ và trường học cấp 1 đóng cửa trong các tháng ban bố lệnh khẩn cấp đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc học gián đoạn của các cháu cũng như công việc của các bậc phụ huynh vì rất nhiều người phải nghỉ làm để trông con. Bài viết này sẽ đề cập một số vấn đề chính sách để các trường học và nhà trẻ ở Nhật tiếp nhận và dạy dỗ lại các cháu nhỏ để bố mẹ có thể yên tâm đi làm trong bối cảnh hạn chế đi lại, giãn cách của toàn xã hội.
Nhà trẻ ở Nhật chia ra làm hai loại: 1. Hoikuen giữ các cháu nhiều giờ, các cháu nhỏ dưới một tuổi trở lên để bố mẹ đi làm; 2. Youchien dạy dỗ các cháu từ 3 tuổi trở lên và phải đón sớm giữa giờ chiều, cần sự phối hợp của phụ huynh trong nhiều công tác chuẩn bị cho các cháu đi học hàng ngày, nếu bố mẹ đi làm thì nhiều trường có chính sách trông các cháu ngoài giờ, nhưng không trông muộn như hoikuen.
Các biện pháp phòng nhiễm covid chung tại nhà trẻ, trường học:
- Thông gió, mở thoáng cửa, ít nhất 2 lần một tiếng, nếu được thì mở cửa sổ cả hai đầu để thông gió, nếu chỉ có một cửa sổ thì mở thêm cửa lớn, và bật quạt hướng ra cửa sổ để thông gió.
- Đeo khẩu trang khi nói chuyện hoặc phát thanh ở khoảng cách gần. Tuy nhiên, tùy điều kiện, nếu đeo khẩu trang có thể dẫn đến các tổn hại khác đến sức khỏe như say nắng, khó thở, khi học thể dục thì không cần thiết đeo khẩu trang. Nếu quên khẩu trang thì các cháu phải đến phòng y tế lấy và trả lại sau. Có trường yêu cầu ghi tên vào khẩu trang và đem theo một cái dự bị để trong cặp. Vì đeo khẩu trang nên người sẽ nóng lên nên trường nhắc nhở uống nước đều đặn.
- Rửa tay thường xuyên: khi đi học, trước và sau khi ăn trưa, khi đi ở ngoài trường vào lớp học, trước và sau khi dùng các dụng cụ, máy móc chung, nhà vệ sinh, sau khi rửa thì lau lại tay cho khô.
- Trước khi các cháu đi học, cần đo nhiệt độ và kiểm tra các triệu chứng của cảm. Một số trường yêu cầu đo thêm vào buổi chiều tối, viết vào giấy theo dõi sức khỏe hàng ngày. Nếu có triệu chứng thì không đi học hoặc về sớm, có ý kiến của bác sỹ mới được đi học lại.
- Sau khi học sinh về thì giáo viên khử trùng bàn ghế, nắm tay cửa, tay vịn cầu thang, nhà vệ sinh, vvv.
- Giờ sử dụng thư viện cũng chia ra theo các lớp để tránh đông đúc.
- Không được tự ý sang phòng học khác hoặc cho nhau mượn đồ.
- Đối với công tác khử trùng phòng lây nhiễm corona, ngoài cồn, có thể dùng sodium hypochlorite pha loãng theo tỷ lệ quy định, không được dùng bình phun sương vì nếu hít vào sẽ gây hại.
Chính sách ở nhà trẻ và cấp 1 khác nhau thế nào?
Khác với trường cấp 1, học sinh nhà trẻ còn bé, ý thức về nội quy vệ sinh và sức khỏe cá nhân chưa hoàn chỉnh. Nếu đeo khẩu trang, nguy cơ dẫn đến ngột thở hoặc mất vệ sinh khẩu trang sẽ cao hơn nhiều nguy cơ bị corona. Các cháu chưa nhận thức được nên có một số khác biệt như:
- Trẻ độ tuổi đi nhà trẻ không bắt buộc đeo khẩu trang, phần lớn không đeo khẩu trang, đặc biệt các cháu nhỏ không đeo khẩu trang ở nhà trẻ hoặc khi đi ra công viên chơi với thầy cô.
- Tổ chức Y tế Thế giới quy định trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không khuyến khích đeo khẩu trang, trẻ trên hai tuổi đến 5 tuổi có thể đeo khẩu trang, nhưng không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
- Trẻ ở nhà trẻ khi ăn ngồi chung với nhau như bình thường, và các cháu vẫn nói chuyện khi ăn.
Các cháu ở cấp 1 thì buộc phải đeo khẩu trang, chỉ giờ thể dục mới không phải đeo, khi ăn thay vì quây bàn lại như trước, bây giờ các cháu phải ngồi tại bàn học của mình ăn và không được nói chuyện lúc ăn.
Các hỗ trợ của địa phương:
- Tối đa 50 man cho mỗi trường để mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.
- Khi có trường hợp nhiễm trong trường, các trường sẽ đóng cửa một phần hoặc toàn phần dựa theo phán đoán về những người tiếp xúc gần với người nhiễm của Phòng Y tế địa phương hoặc phán đoán của trường. Nếu bố mẹ phải nghỉ làm không lương để ở nhà chăm con thì có thể xin trợ cấp vào các ngày trường nghỉ.
- Dịch vụ trông trẻ ốm để bố mẹ đi làm vẫn được duy trì ở Nhật.
Tình hình lây nhiễm ở trường cấp 1 và nhà trẻ như thế nào?
Theo số liệu thống kê của Bộ văn hóa, giáo dục, thể thao, văn hóa, khoa học và công nghệ, tính đến ngày 27/8/2019, trong tổng số 428 ca nhiễm ở trường cấp 1, hơn 75% các ca nhiễm là do lây lan trong gia đình, 2% lây lan trong trường, 9% là ở các hoạt động giao lưu khác ngoài gia đình và trường, chỉ 1% là lây lan từ nước ngoài về, 12% là không rõ nguồn gốc.
Trong 72 trường hợp lây nhiễm của các thầy cô cấp 1, 65% không rõ nguồn gốc và chỉ 3% là lây lan trong trường học.
Số lượng 47 trẻ em mẫu giáo youchien bị nhiễm thì 60% là lây nhiễm ở trong gia đình, 19% tại trường học, 13% không rõ nguồn lây. Trong 36 giáo viên mẫu giáo youchien thì có 28% lây nhiễm trong trường.
Nguồn: https://www.mext.go.jp/content/20200903-mxt_kouhou01-000004520_1.pdf
Yếu tố truyền thống khác ảnh hưởng đến tỷ lệ lây nhiễm thấp
Để có được tỷ lệ lây nhiễm thấp và các phụ huynh, cũng như nhà trường tự tin gửi con đi học, một phần nhờ các chính sách phòng bệnh lây nhiễm có từ trước, đặc biệt trong môi trường nhà trẻ. Từ trước khi có covid, Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi đã có ban hành hướng dẫn chính sách đối với các bệnh truyền nhiễm ở nhà trẻ hoikuen nơi có cả các cháu nhỏ từ 0-3 tuổi (保育所における感染症対策ガイドライン) có miêu tả rất chi tiết cách phòng bệnh với rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác nhau. Đơn cử là ý thức hành xử khi ho được thể hiện trong hình ảnh sau (trích trong văn bản hướng dẫn năm 2018) và việc rửa tay kỹ trên 30 giây.
Dù có hay không có covid, các phương pháp phòng bệnh về cơ bản đã được thiết lập sẵn. Lần này, ý thức phòng bệnh nâng cao và duy trì thêm việc khử khuẩn bàn tay khi đến trường, thông gió đều đặn hơn, và phụ huynh, nhà trường cũng nghiêm khắc thực hiện hơn. Nước sát khuẩn như hình trên cũng đã được nhà trẻ sử dụng từ lâu như một phương thức khử khuẩn đồ chơi, sàn, cửa, bàn ghế. Khăn được chia ra nhiều loại để chuyên lau mỗi nơi, ngâm trong nước khử khuẩn đã pha đúng tỷ lệ, hoặc giặt lại và xịt nước khử khuẩn vào và dùng để lau một ngày hai lần khi các cháu ngủ trưa và sau khi các cháu ra về, cũng như vệ sinh những chỗ các cháu làm bẩn trong quá trình sinh hoạt tại trường.
Việc quy định nghỉ học khi dịch bùng phát cũng đã được thực hiện với các dịch cúm influenza hàng năm.
Tuy nhiên, lần này với một căn bệnh mới, chính phủ cũng đã ban hành cẩm nang ứng phó với bệnh truyền nhiễm covid với các biện pháp triệt để như đã nêu ở trên. Biết được tâm lý lo lắng, cảnh giác, chính phủ cũng ra yêu cầu giữ bí mật thông tin cá nhân và đảm bảo không tuyên truyền phân biệt, định kiến với người bệnh. Ngoài ra, việc tạm dừng các hoạt động của trường khi có ca lây nhiễm đều phải được tư vấn với Phòng Y tế của địa phương.
Những học sinh có bệnh nền về hô hấp, có phẫu thuật đường hô hấp hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ hô hấp sẽ được tư vấn với y bác sỹ, nhân viên y tế của trường về việc đi học tùy vào tình hình lây nhiễm trong vùng. Trường hợp phải nghỉ, ngày nghỉ sẽ không được tính như ngày vắng, mà tính vào các ngày không được đến trường.
Một số triệu chứng giống covid, tuy nhiên, là bệnh nền như hen suyễn, dị ứng … thì theo phán đoán của bác sỹ, người bệnh vẫn có thể đi học, đi làm như bình thường.
Đối với các nhà trẻ tại vùng có tuyên bố khẩn cấp, các phụ huynh có thể nghỉ làm hay làm ở nhà được thỉnh cầu trông con ở nhà và nhà trẻ thu hẹp số lượng lại để giãn cách. Tài liệu hướng dẫn cũng quy định 5 đối tượng phụ huynh cần vừa đi làm, vừa thực hiện giãn cách và có thể gửi con. Tuy nhiên, nếu biện pháp thu hẹp số lượng gặp khó khăn thì có thể xem xét nghỉ tạm thời cả nhà trẻ.
Trong trường hợp nhân viên nấu ăn nghỉ ốm, học sinh có thể đem cơm theo trong vài ngày.
Các nhà trẻ, nhà trường thường có hoạt động bơi vào mùa hè, hoạt động này được duy trì, và nước hồ bơi cũng được sát khuẩn như thông lệ. Tuy nhiên, nhà trường phải giãn cách số lượng trẻ nhỏ, học sinh bơi, chơi nước cho mỗi lượt.
Covid ảnh hưởng đến các hoạt động khác ngoài việc học, giữ trẻ như thế nào?
Các hoạt động có thể hủy bỏ hoặc hạn chế quy mô, giảm số người tham dự, chia làm nhiều lượt, hoặc tổ chức online. Cụ thể như việc phụ huynh đến trường dự giờ được hủy bỏ hoặc tổ chức với số lượng rất hạn chế. Các hoạt động phụ huynh tham gia cùng với trẻ em tại trường hầu như hủy bỏ, chỉ còn thầy cô và trẻ em tham gia. Một số trường phát online cho phụ huynh xem. Các hoạt động giữa trường và khu phố cũng được hủy bỏ, chỉ còn phạm vi trong trường và chia nhỏ thành nhiều lượt. Các hoạt động khai giảng, tốt nghiệp, các chuyến đi dã ngoại cũng thu nhỏ phạm vi, phụ huynh không đi kèm, thời gian thực hiện rút ngắn tối thiểu.
Với truyền thống vệ sinh, phòng bệnh truyền nhiễm và cẩm nang hướng dẫn phòng bệnh covid mới, đến hiện tại các trường học, nhà trẻ ở Nhật đã thực hiện khá tốt việc phòng bệnh và đảm bảo giáo dục cho các cháu. Các cháu và các thầy cô cũng đã rất cố gắng thích nghi với điều kiện mới. Chúng ta cũng đừng vội trách các cháu nhỏ không đeo khẩu trang, mà là người lớn, chúng ta hãy đeo khẩu trang, thực hiện tốt các biện pháp phòng nhiễm để tránh lây nhiễm cho các cháu nhé.