日本での幸せライフレシピ
Tìm hiểu lối sống Danshari của người Nhật
(断捨離について)
Danshari được ghép từ 3 chữ断つ (ngăn chặn), 捨てる (vứt bỏ), 離れる (xa lánh). Cụm từ này do bà 山下英子 Yamashita Hideko đề xướng ra, ứng dụng 3 tư tưởng triết học Yoga 断, 捨, 離. Và bà đã nhận được giải thưởng cho “câu nói của năm 2010” Nhật Bản. Lối sống danshari 断捨離 này hướng tới từ bỏ sự gắn bó với đồ vật, giảm bớt đồ đạc để điều hòa cuộc sống. Danshari断捨離 chống lại thói quen khó vứt bỏ đồ vật, khuyến khích mọi người (1) ngăn chặn đồ không cần thiết (断捨離), vứt bớt những vật dụng không dùng hoặc ít dùng đến trong nhà (捨), từ bỏ sự phụ thuộc vào đồ vật (離).
Thực tế, nhiều người không thể nào vứt bỏ được những đồ mình đã sử dụng, cho dù là nó không còn được dùng nữa, tương lai chắc cũng không còn dùng. Đến một lúc nào đó, đồ đạc trở thành gánh nặng với cả người đó hoặc gia đình, ảnh hưởng cả về tâm tư và sức khỏe, sự tiện nghi cuộc sống. Khi vượt quá ngưỡng tâm lý bình thường, nó sẽ trở thành một chứng “bệnh”. Theo thống kê ở Mỹ có đến hơn 6 triệu người bị chứng bệnh “không thể vứt bỏ đồ”. Sau khi danshari 断捨離 được khởi xướng, trong những năm gần đây sự hưởng ứng của xã hội với tư tưởng “vứt” mọi thứ này còn tiến lên 1 bậc khác là “chủ nghĩa tối giản” (ミニマリズム), tất nhiên là cũng vì nó rất hợp với tư tưởng sống giản dị của người Nhật từ cổ xưa.
Trong chương trình Closeup Gendai của đài truyền hình NHK đã có phóng sự nói về lối sống danshari 断捨離bằng việc ứng dụng những khoa học công nghệ mới nhất để giúp cuộc sống tối giản như: Scan hoặc chụp ảnh các album ảnh cũ rồi vứt album thực đi. Chụp ảnh búp bê, quần áo cũ, thiệp cưới, bằng cấp kỷ niệm, cúp lưu niệm…rồi vứt. Xén sách cũ tự scan hoặc mang đến các dịch vụ scan sách cũ, biến thành sách điện tử.
Trong chương trình có phỏng vấn và cho thấy 断捨離 cũng có ý nghĩa với những người dọn dẹp đồ đạc để lại của bố mẹ đã mất, những người lớn tuổi muốn tìm đến một cuộc sống mới…
Sau đây là một số gợi ý mà chương trình của NHK đưa ra trong quá trình thực hiện lối sống tối giản danshari.
– Nếu băn khoăn thì vứt.
– Nếu không dùng thì vứt
– Đồ gì nếu mất đi sẽ không mua mới thì vứt
– “Khi nào đó” sẽ không bao giờ đến. “Khi nào đó sẽ dùng” chắc chắn không có.
– Không phải là “dùng được không” mà là “có đang dùng không”.
– Đồ đắt tiền thì nên dùng ngay.
– Mỹ phẩm cũ chỉ làm cho phụ nữ “cũ” đi.
– Nếu cân nhắc chỉ vì giá tiền thì hãy mua đi. Ngoài ra thì dù giá hời đến mấy cũng đừng mua.
– Nhiều quần áo nhưng chẳng phải lúc nào cũng mặc mỗi mấy bộ như nhau sao?
– Những thứ bình thường không dùng nhưng vẫn giữ lại. Lúc thiên tai này nọ, có mang đi cùng không?
– Khi đã vứt đi hết thì sẽ vẫn còn tương lai.- Dù có vứt vật kỉ niệm, kỉ niệm cũng vẫn không mất đi.
– Nếu không vứt quá khứ, sẽ không có chỗ cho tương lai.
– Nếu còn fuku 服 (quần áo) thì fuku 福 (phúc) sẽ không đến.
– Còn kami 紙 (giấy tờ) thì kami 神 (thần thánh) sẽ không đến.
– Ngày mai thì có rác của ngày mai.
Thực ra danshari 断捨離 không chỉ là vứt đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa. Nó còn phát triển lên ở mức từ bỏ những thói quen, những suy nghĩ cũ kỹ, những lối sống không còn phù hợp nữa. Việc này sẽ khiến cho tinh thần con người trở nên khoáng đạt và thoải mái hơn.