日本での幸せライフレシピ
Tìm hiểu cuộc đời của Thiên hoàng Chiêu Hòa nhân ngày Chiêu Hòa (29/4) – ngày lễ tôn vinh sinh nhật thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito)
(昭和天皇の誕生日を祝うー天皇の生涯を知る)
Sau khi bại trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản bị chiếm đóng bởi lực lượng Đồng Minh, đứng đầu là Hoa Kỳ. Để dọn đường cho một chính quyền đại nghị do Mỹ đề xướng và tổ chức, hiến pháp Nhật Bản 1947 đã được soạn thảo và ra đời. Một trong những điểm chú ý của bản hiến pháp 1947 là tước bỏ mọi quyền lực của Thiên hoàng, ngoại trừ những quyền lực mang tính tượng trưng. Nhật Bản bước vào giai đoạn hậu chiến trong bối cảnh đất nước tan hoang, mất mát, chết chóc. Khi nhìn lại cuộc tái thiết đất nước đầy khó khăn đó, dù quyền lực chỉ mang tính “tượng trưng” nhưng những nỗ lực và sự đóng góp của Thiên hoàng Chiêu Hòa rất được lịch sử ghi nhận công lao.
Tiểu sử Thiên hoàng Chiêu Hòa
Thiên hoàng Chiêu Hòa (tên thật là Hirohito) sinh ngày 29 tháng 4 năm 1884, tại Dinh thự Hoàng gia Akasaka ở Aoyama, Tokyo, là con trai đầu tiên của Hoàng đế Đại Chính. Ông đã đến thăm các nước châu Âu trong sáu tháng kể từ ngày 10 tháng 3 năm 1921, và sau khi trở về Nhật Bản, được bổ nhiệm làm nhiếp chính từ ngày 25 tháng 11. Vào ngày 26 tháng 1 năm 1924, ông đã kết hôn với Hoàng hậu Nagako, con gái của công chúa Chikako và hoàng thân Kuni. Vào ngày 25 tháng 12 năm 1926, sau khi Hoàng đế Đại Chính băng hà, ông lên ngôi và trở thành vị hoàng đế thứ 124.
Cuộc tuần hành hậu chiến
Do bối cảnh lịch sử, Thiên hoàng Chiêu Hòa sống vào thời kỳ đặc biệt quan trọng thứ hai trong lịch sử cận đại Nhật Bản – tái thiết Nhật Bản sau khi bại trận ở cuộc Đại chiến thế giới thứ 2. Nhắc đến ông, nhiều người nghĩ ngay đến “cuộc tuần hành hậu chiến”.
Để an ủi, khích lệ người dân mất mát sau chiến tranh, Thiên hoàng Chiêu Hòa đã tiến hành một cuộc tuần hành khắp nước Nhật. “Cuộc tuần hành hậu chiến” là chuyến công du của ông được bắt đầu vào tháng 2 năm 1946 và tiếp tục cho đến tháng 8 năm 1954. Ước tính Thiên hoàng đã đến thăm tất cả 47 tỉnh, đi 33.000 km và tổng cộng là 165 ngày. Ông đã đến thăm các rặng núi và cảng cá, nhà máy và hầm mỏ, trường học và bệnh viện, trại trẻ mồ côi và các cơ sở hỗ trợ, và tương tác trực tiếp với mọi người. Cuộc tuần hành được thực hiện theo đúng nghĩa đen của từ “quốc kiến”, một trong những hoạt động bởi các hoàng đế trong thần thoại cổ đại. Mọi người bày tỏ sự vui mừng, khóc lóc, thậm chí hy vọng vào “đặc ân” chữa lành bệnh tật và vết thương cho họ.
“Cuộc tuần hành hậu chiến” này vốn dĩ không phải là sáng kiến của riêng Thiên hoàng hay từ sự đề nghị của các phụ tá của ông và chính phủ, mà do K. Dyke, giám đốc đầu tiên của Bộ phận Thông tin và Giáo dục Dân sự GHQ (CIE), khởi xướng. Trọng tâm suy nghĩ của Dyke trong lúc này là cần phải ngăn chặn những thói tư lợi và lừa đảo tràn lan như chợ đen, ngăn chặn sự suy đồi đạo đức, và đánh thức lòng tự hào của người Nhật. Dyke nói: “Điều này nằm ngoài tầm với của MA (MacArthur) và chỉ có thể được thực hiện bởi một Thiên Hoàng, và tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời. Ngài đã đi khắp nơi, thăm các mỏ than hoặc thăm các vùng nông thôn, lắng nghe những gì người dân của họ nói, và hỏi họ nhiều câu hỏi khác nhau với diễn ngôn thân mật.”
Sự kiện đáng chú ý nhất trong nửa đầu của cuộc hành trình này là chuyến thăm tỉnh Hiroshima vào tháng 12 năm 1947. Vào sáng ngày 7 tháng 12, Thiên hoàng rời Iwaso Ryokan ở Miyajima, nơi ông ở một ngày trước đó và đi đến Hiroshima bằng ô tô. Tại lối vào của thành phố, những người đầu tiên được chào đón là 84 trẻ bị mồ côi cha mẹ do sự kiện đánh bom nguyên tử vào thành phố Hiroshima vào tháng 8 năm 1945. Người ta nói rằng Ngài đã ngăn nước mắt bằng cách ôm đầu một cậu bé, tóc đã rụng hoàn toàn.
Ngày Chiêu Hòa – Ngày 29 tháng 4
Cho đến này, ngày 29 tháng 4 là “Ngày Chiêu Hòa”, là ngày nghỉ lễ đầu tiên trong tuần Tuần lễ vàng, kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Vốn dĩ, ngày 29 tháng 4 là ngày sinh của Thiên hoàng Chiêu Hòa. Tại Nhật Bản, cứ mỗi thời đại mới ra đời, sẽ lấy sinh nhật của Thiên hoàng của thời đại đó là ngày lễ, gọi là “Tenchosetsu (天長節 – thiên trưởng tiết)”, vì vậy vào thời đại Chiêu Hòa, ngày 29 tháng 4 là “ngày lễ sinh nhật của Thiên hoàng” (nhân tiện, sinh nhật của Thiên hoàng hiện tại ở thời đại Lệnh Hòa là ngày 23 tháng 2).
Sau khi Thiên hoàng Chiêu Hòa băng hà, “ngày lễ sinh nhật Thiên hoàng” được lấy theo ngày sinh của Thiên hoàng mới (Thiên Hoàng Bình Thành). Do Thiên hoàng Chiêu Hòa yêu thiên nhiên, để tưởng nhớ ông, ngày 29/4 (ngày sinh nhật Thiên Hoàng trước đó) chuyển thành “ngày cây xanh” và được ấn thành ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, sau khi “Luật về ngày lễ” được sửa đổi vào năm 2007, ngày 29 tháng 4 được ấn định thành “Ngày Chiêu Hòa”, ngày 4 tháng 5 trở thành “Ngày cây xanh”.
Lý do tại sao lại ấn định ngày 29 tháng 4 là “Ngày Chiêu Hòa” là một trong những ngày lễ quốc gia, văn phòng Nội các đưa ra lời giải thích như thế này, “nhằm để nhìn lại thời đại Chiêu Hòa khi công cuộc tái thiết đã đạt được sau những ngày đầy biến động, và nghĩ về tương lai của đất nước. Nhìn lại thời đại Chiêu Hòa để hiểu Nhật Bản đã từng có những ngày khó khăn và vất vả, chẳng hạn như Đại thế chiến thứ hai và việc thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản dần được phục hồi và phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.”
Sau thời đại Chiêu Hòa, xã hội Nhật Bản đã bình yên và có nhiều thay đổi, vì vậy “Ngày Chiêu Hòa” được ấn định với mục đích ghi nhớ về những dấu ấn lịch sử trong thời đại đó, và cũng là một cách để cảm ơn những người đi trước để người dân có cuộc sống thái bình, yên ổn trong ngày hôm nay.
Ánh Hiền tổng hợp