日本での幸せライフレシピ
Tiết kiệm chi phí sinh hoạt với phương pháp Kakeibo của người Nhật
(家計簿で節約)
Phương pháp Kakeibo không chỉ là một cách quản lý chi tiêu, mà còn là một triết lý được người Nhật xây dựng dựa trên chánh niệm trong chi tiêu và tiết kiệm. Xuất phát là một từ tiếng Nhật mang nghĩa “sổ tài chính gia đình”, Kakeibo trở thành một phương pháp hữu hiệu có thể giúp bạn tiết kiệm tới 35% chi phí hàng tháng với chỉ một cuốn sổ và một cây bút.
Kakeibo được cho là do nhà báo Hani Motoko giới thiệu từ năm 1904 trong một cuốn tạp chí dành cho phụ nữ, và nhanh chóng được các bà nội trợ áp dụng thành công. Kakeibo lấy cốt lõi là mục tiêu tiết kiệm của bạn, với mục tiêu dài hạn chứ không chỉ để theo dõi chi tiêu nói riêng. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả cho những người chưa có thói quen lập ngân sách tiêu dùng hoặc những người mới bắt đầu tiết kiệm. Kakeibo cũng đặc biệt phù hợp với những người có thói quen lập ngân sách bằng cách chia thu nhập vào các “phong bì” tương ứng (khoản chi cố định, tiết kiệm, phòng xa, vân vân).
Vậy phương pháp Kakeibo hoạt động như thế nào?
1. Tạo một cuốn sổ cái
Điều trọng tâm của Kakeibo là chánh niệm – tức là luyện tập sự tập trung và cẩn thận trong chi tiêu, điều đó được phản ánh ngay cả trong cách ghi chép. Bạn cần có một cuốn sổ tay và một cây bút, và bạn sẽ ghi chép chi tiêu của mình bằng tay. Không cần quá xa xỉ, một cuốn vở bình thường cũng được rồi!
Việc ghi chép bằng tay ngay lập tức khi có thể mọi khoản chi tiêu sẽ giúp bạn tăng cường trí nhớ, quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu, đồng thời có thể nhìn nhận lại khoản chi đó.
2. Tính toán nguồn thu – chi cố định hàng tháng
Bạn hãy lấy tổng thu nhập hàng tháng (ví dụ: lương cố định, trợ cấp cố định) trừ đi chi phí cố định (ví dụ: tiền thuê nhà, tiền trả bãi đỗ xe ô tô, tiền trả góp cố định). Phần còn lại là khoản chúng ta sẽ có thể chi tiêu trong tháng – gọi tắt là khoản A.
3. Đặt mục tiêu chi tiêu trong tháng
Lý tưởng thì bạn nên đặt mục tiêu sẽ chỉ sử dụng ít hơn khoản A trong mục 2.
4. Liệt kê các khoản chi tiêu
Theo phương pháp Kakeibo, có 4 mục chi tiêu chính:
●Cần: Các khoản chi cần thiết cho cuộc sống như điện nước, thức ăn, xăng xe, tiền học, vân vân
●Muốn: Các khoản giúp chúng ta “vui sướng” hơn nhưng không thực sự cần thiết (thức ăn sẵn, nhà hàng, vân vân)
●Văn hóa: Các khoản chi vào hoạt động văn hóa nghệ thuật giúp nâng cao đời sống tinh thần như sách, bảo tàng, Netflix, vân vân.
●Phát sinh: các khoản phát sinh không lường trước như hóa đơn y tế, sửa chữa nhà cửa.
5. Ghi chép mọi khoản chi tiêu
Bạn phải ghi chép tất cả các khoản chi tiêu dựa trên các mục tương ứng. Việc phân chia các mục phù hợp giúp bạn hiểu rõ hơn về thói quen tiêu dùng của mình, và giúp bạn cẩn thận hơn khi chi tiền đặc biệt giữa mục “Cần” và “Muốn”.
6. Xem xét lại cuối mỗi tháng hoặc mỗi tuần
Cuối mỗi tháng hoặc mỗi tuần, hãy tự hỏi bản thân 4 câu hỏi để nhìn lại thói quen tiêu dùng:
●Bạn đang có bao nhiêu tiền?
●Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
●Bạn đã tiêu bao nhiêu tiền rồi?
●Bạn có thể chi tiêu hợp lý hơn bằng cách nào?
Câu hỏi “Bạn có thể chi tiêu hợp lý hơn bằng cách nào?” giúp bạn có thể tự nhìn nhận và cải thiện bản thân, phù hợp với nhu cầu của chính mình. Không phải cứ cắt đi mọi khoản chi có thể giúp bạn tiết kiệm: một vài người yêu thích hội họa sẽ muốn dành nhiều thời gian và tiền bạc để thăm triển lãm hoặc ủng hộ các họa sỹ mình hâm mộ, một số khác thích đọc sách và họ sẽ chi một khoản đáng kể để mua sách.
Việc nhìn nhận lại thói quen tiêu dùng sẽ giúp bạn đặt trọng tâm vào những khoản đặc biệt quan trọng với bạn, thay vì các khoản “vô thưởng vô phạt” như mua một vé xem phim nhưng bạn lại không đi vì trời mưa.
Đồng thời, việc có cái nhìn tổng quát các khoản chi tiêu trong tháng sẽ giúp bạn phòng ngừa được các khả năng rủi ro về tài chính như các khoản phát sinh, hoặc cắt giảm lương.
Mục tiêu lớn nhất là tăng khoản tiền tiết kiệm của bạn. Bạn có biết rằng Kakeibo vốn được ví như phương pháp “bảo vệ những chú heo tiết kiệm” khỏi “những con sói tiêu dùng” mỗi tháng không?
7. Tiến hành đều đặn – Ghi chép sáng tạo
Cũng giống như tiết kiệm, phương pháp Kakeibo sẽ hoạt động hiệu quả khi được thực hành thường xuyên và đều đặn. Khi đã quen với Kakeibo, bạn hoàn toàn có thể sáng tạo thêm như tô vẽ, trang trí cho sổ cái, hoặc chia các mục chi tiêu thành các màu để tiện theo dõi. Điều này sẽ giúp bạn có hứng thú và yêu thích việc ghi chép hơn.
Bạn thấy đấy, phương pháp Kakeibo cũng không hề khó khăn, chỉ cần một chút thời gian mỗi ngày là bạn hoàn toàn có thể tự chủ về ngân sách và bắt đầu tiết kiệm rồi.