A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Tham quan các địa danh nổi tiếng của thời kì Edo qua tranh Ukiyo-e,br>(浮世絵で江戸の名所を観光する)

Vào năm 1721, Edo đạt dấu mốc quan trọng, trở thành thành phố lớn nhất Thế giới với khoảng 1,1 triệu dân. Edo (nghĩa là “cửa sông”), tên cũ của Tokyo ngày nay, là đô thị sầm uất bậc nhất trong thời đại Edo. Khi nói đến các địa danh của Tokyo” ngày nay, nhiều người thưỡng nghĩ ngay tới Tokyo Sky Tree, Tokyo Tower, Odaiba và Ginza. Tương tự như vậy, ngay trong thời kỳ Edo khoảng 200 năm trước, đã có những điểm du lịch nổi tiếng và danh lam thắng cảnh thu hút nhiều tầng lớp dân cư.

Vậy thì, vào thời Edo, các địa tham quan du lịch được phản ánh qua ukiyo-e thế nào? Mời bạn tìm hiểu qua bài viết sau để sống lại không khí một thời văn hoá đặc sắc này.

Ukiyo-e là gì?

Sau khi Tokugawa Ieyasu thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kì chiếc quốc, Nhật Bản bước vào một thời kì hoà bình, ổn định, và thịnh vượng. Có thể nói Edo là thời kì mà các loại hình văn hoá nghệ thuật phát triển rất mạnh mẽ đa dạng. Trong đó, không thể không nhắc đến dòng tranh ukiyo-e.

Ukiyo-e (浮世絵-phù thế hoạ) là dòng tranh in mộc bản (khắc gỗ) được sản xuất hàng loạt, nhắm vào giới buôn bán giàu có, tầng lớp thị dân vào thời Edo. Ukiyo-e còn là món quà lưu niệm yêu thích cho những ai có dịp ghé thăm Edo.

Từ gốc của ukiyo là “ưu thế“ (憂世), cũng có âm đọc là ukiyo. Uki – Hán tự là “ưu”- nghĩa là nỗi buồn, theo quan điểm Phật giáo, ukiyo (ưu thế) là cõi trần tục với nhiều sự đau khổ. Từ quan điểm muốn thoát li khỏi trần tục của Phật giáo, cõi trần tục chỉ là cõi tạm, vô thường, nên ukiyo còn mang nghĩa là “cõi phù du”. Vì mang nghĩa [cõi phù du], dần dần chữ ukiyo (ưu thế) được biểu kí là [phù thế] (浮世).

Từ quan niệm cõi trần tục chỉ là cõi phù du, cùng với sự tác động của yếu tố phát triển kinh tế, hình thành nên tư tưởng phải sống và hưởng thụ hết mình trong chốn hiện tại của tầng lớp thị dân. Từ đấy, ukiyo (phù thế) mang nghĩa “cõi hiện tại”, “trào lưu hiện đại”. Nói nôm na, kiyo-e là dòng tranh thể hiện nếp sống sinh hoạt, tập tục văn hoá, lối ăn chơi hưởng lạc trong “còi phù du” này.

Các địa điểm tham quan nổi tiếng của thời kỳ Edo qua các bức tranh ukiyo-e

Khu vực dọc sông Sumida

Vào thời kì Edo, khu vực dọc sông Sumida là một thắng cảnh tuyệt vời để thưởng ngoạn và ngắm cảnh. Người dân thường sử dụng thuyền để di chuyển giữa hai bờ sông Sumida và thưởng ngoạn thắng cảnh trải dài hai bên bờ. Tất nhiên, những họa sĩ Ukiyo-e cũng không muốn bỏ lỡ điểm tham quan nổi tiếng này. Họ bắt đầu vẽ những địa điểm nổi tiếng khác nhau dọc theo sông Sumida bằng cách kết hợp chúng với “diễn viên” và “mỹ nhân” trong các tác phẩm của mình.

Núi Phú Sĩ

Katsushika Hokusai là một nghệ sĩ, họa sĩ nổi tiếng của dòng ukiyo-e trong thời kỳ Edo. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của loạt tranh in mộc bản 36 cảnh núi Phú Sĩ (富嶽三十六景 (Phú Nhạc tam thập lục cảnh) , trong đó có tác phẩm “Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa” đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản và được xuất bản trên bình diện quốc tế.

Vào cái thời mà việc thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh chỉ có thể xảy ra một lần trong đời, việc nhìn vào các địa danh được các hoạ sĩ ukiyo-e thể hiện là một trải nghiệm vô cùng thích thú. Đó có thể một vùng đất mà họ chưa từng đặt chân đến, hoặc vùng đất đã từng bước chân qua chỉ còn lưu giữ trong ký ức. Do đó, “36 cảnh núi Phú Sĩ ” của Hokusai rất được người dân yêu thích trong thời gian này.

Ise Jingu, địa điểm hành hương tham quan nổi tiếng vào thời Edo

Về mặt giao thông,hệ thống đường xá, cơ sở lưu trú, phương tiện đi lại trong thời kỳ Edo đã được cải thiện đáng kể. Khi đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu hành hương, tham quan du lịch của dân chúng cũng phổ biến và gia tăng. Do đó, du lịch phát triển mạnh mẽ kể từ thời kỳ Kyoho (1716-36), và phát triển bùng nổ trong thời kỳ văn hóa bunsei (1804-30). Vào thời điểm này, điểm đến nổi tiếng nhất là Ise Jingu, nơi người dân được phép tự do đi lại vì lý do tôn giáo. Thông thường sau khi đến thăm đền Ise từ Edo, du khách đều đến Kyoto và Osaka, cũng như thưởng thức các vở kịch và các điểm tham quan của khu vực trung tâm thành phố.

Edo, thành phố sầm uất bậc nhất

Vào thời kì đầu, các họa sĩ Ukiyo-e thích vẽ các diễn viên kịch Kabuki và gái điếm. Vào thế kỷ 19, khi du lịch và hành hương trở nên phổ biến, những bức tranh phong cảnh tuyệt vời của Hokusai và Hiroshige đã ra đời. Ukiyo-e trở thành một phương tiện để quảng cáo cho các địa điểm du lịch ở nhiều nơi khác nhau. Đó là những bức vẽ các cửa hàng, các quán trà, cửa hàng bán hàng lưu niệm ở các khu vực phía trước ngôi đền. Vì sau khi đi thăm các ngôi đền, và đền thờ, du khách thời xưa còn tận dụng để tận hưởng các dịch vụ và không khí nhộn nhịp ở các cửa hàng kimono, các quán trà, cửa hàng bán hàng lưu niệm quanh khu vực xung quanh ngôi đền họ sẽ ghé thăm. Chẳng hạn, bức “Địa điểm nổi tiếng Edo Bản đồ cửa hàng kimono Daidenmacho Daimaru” mà hoạ sĩ Hiroshige Utagawa (1797-1858”) vẽ ngày xưa là một cửa hàng quần áo, nay đã trở thành Cửa hàng bách hóa Daimaru.

Vào nửa cuối thế kỷ 19, nghệ thuật hội họa Nhật Bản đã tạo ra một sự bùng nổ chưa từng có tại Tây Âu, gọi là chủ nghĩa Japonisme (Chủ nghĩa Nhật Bản). Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Manet, Doga, Monet, Goch, nhà điêu khắc Rodin, anh em nhà văn Goncourt, đều rất thích thú các bức tranh Ukiyoe. Và ngay cả bây giờ, nó vẫn tiếp tục mê hoặc những người hiện đại.

Người Nhật Bản lúc bấy giờ rất ngạc nhiên khi Ukiyoe lại trở nên phổ biến ở phương Tây. Đối với người Nhật vào thời Edo, cơ bản Ukiyoe là mặt hàng bình dân, như thể sách giáo khoa mô tả một phần của cuộc sống hàng ngày, và còn là một phương tiện để quảng cáo và đưa tin. Ukiyoe, nhẹ và không cồng kềnh, từng được yêu thích như một món quà lưu niệm thời Edo khi người dân có dịp ghé qua Edo để buôn bán hay du lịch và sự nổi tiếng của nó vẫn không thay đổi cho đến khi phát minh ra nhiếp ảnh vào thế kỷ 19.

Ánh Hiền

Nguồn tham khảo:
https://www.ndl.go.jp/landmarks/column/1.html
https://www.ndl.go.jp/landmarks/column/3.html
https://www.ndl.go.jp/landmarks/column/
https://www.nippon.com/ja/views/b02305/3.html

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map