日本での幸せライフレシピ
TẠI SAO NGƯỜI GIÀU Ở NHẬT LẠI KHÔNG SỐNG PHÔ TRƯƠNG?
(何故日本の大富豪は自慢しないか)
Nếu bạn là fan trung thành của Netflix hoặc chỉ đơn giản bạn là một tín đồ của hàng hiệu, thì bạn sẽ không còn lạ lẫm gì với những người Châu Âu luôn đứng đầu trên các bảng xếp hạng về sự giàu có, hay những phú nhị đại nức tiếng Trung Quốc, những cậu ấm cô chiêu nổi danh thế giới của Singapore hay Hong Kong. Nhưng tuyệt nhiên lại hầu như không có một chút thông tin gì về người giàu có Nhật Bản. Nhắc đến người Nhật, không thể không nhắc đến đức tính cực kì khiêm tốn và giản dị của họ, đó là lí do minh chứng cho câu nói “hàng xóm của bạn có thể là triệu phú mà bạn không biết” tại Nhật.
Theo HNWI (High net worth individual- cá nhân có giá trị ròng cao): Những người hoặc hộ gia đình sở hữu tài sản lưu động có giá trị từ 1 triệu đến 5 triệu đô la, đứng nhất là Mỹ và thứ 2 là Nhật Bản, theo thống kê rằng cứ 17 người dân Nhật thì sẽ có một người sở hữu tài sản trên 1 triệu đô. Khá nhiều người sẽ bất ngờ rằng tại sao Nhật Bản có thể đứng ở vị trí thứ 2 trong khi không phải là Trung Quốc. Vì hình ảnh các tỉ phú, đại nhị phú Trung Quốc luôn tràn ngập trên các phương tiện thôi tin đại chúng để khoe về sự giàu có của mình. Theo kết quả Báo cáo Giàu có Thế giới của CapGemini từ năm 2019 tới nay Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Pháp là năm quốc gia đứng đầu theo tổng số HNWI, và 62% HWNI trên thế giới sống ở Mỹ, Nhật Bản, Đức và Trung Quốc.
Nhật Bản từng là đất nước giàu nhất thế giới, đặc biệt là trong thời kì kinh tế bong bóng nửa cuối những năm 1980. Cho những ai chưa biết thì nền kinh tế bong bóng là một tình trạng kinh tế trong đó giá trị của các tài sản như đất đai và cổ phiếu tiếp tục tăng bất thường. Khởi đầu là “Hiệp định Plaza” vào tháng 9 năm 1985 là một thỏa thuận giữa các bộ trưởng tài chính (người có quyền lực tài chính thực tế) của năm quốc gia phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức và Pháp) và thống đốc ngân hàng trung ương để điều chỉnh đồng đô la. Trước Hiệp định Plaza, ngành xuất khẩu của Nhật Bản phát triển mạnh do đồng yên mất giá, nhưng sau Hiệp định Plaza, đồng yên tăng giá nhanh hơn dự kiến của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đồng thời phải đối mặt với suy thoái. Do đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã thực hiện chính sách lãi suất thấp, tạo điều kiện cho các công ty vay vốn dễ dàng hơn. Dòng tiền không chỉ đổ vào đầu tư vốn mà còn đổ vào việc mua đất đai và cổ phiếu, giá đất và giá cổ phiếu tăng cao do nhu cầu về chúng tăng lên. Đây cũng là lúc người giàu Nhật Bản phô trương sự giàu có của mình hơn hiện nay.
Tuy nhiên nền kinh tế bong bóng như mơ kéo dài không được bao lâu, giá cổ phiếu giảm mạnh từ đầu những năm 1990, giá đất dần tụt dốc. Nền kinh tế suy thoái cũng khiến nhiều hộ gia đình kể cả giàu lẫn nghèo đều thắt chặt chi tiêu hơn. Họ hạn chế sự khoe khoang của mình, nên dần dần từ đó thói quen không phô trương cũng được hình thành.
Theo sự nghiên cứu của Dominic Carter, thế hệ Dankai từ 65-69 tuổi, họ tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống như đi du lịch, nghỉ dưỡng, hoặc các dịch vụ chăm sóc y tế cho những người cao tuổi hơn là việc mua đồ hiệu sống phô trương xa hoa. Nối tiếp là thế hệ Dankai Junior, thì họ lại thích đầu tư vào sức khoẻ, giáo dục cho tương lai của bản thân lẫn con cái, du lịch, trải nghiệm cuộc sống, v.v. Họ hiểu rằng sự phô trương sẽ khiến cho xã hội bị mất cân bằng, sự phân chia giai cấp sẽ bị hình thành mạnh mẽ gây nên tình trạng phân biệt đối xử. Nên họ lựa chọn sự che giấu sự giàu có để đất nước và người dân được sống trong môi trường hài hoà, phát triển tự nhiên hơn. Một hành động mang đầy ý nghĩa của sự nhân văn.