日本での幸せライフレシピ
Tại sao người Nhật lại có phong tục ngắm hoa dưới tán cây anh đào?
Tìm hiểu câu chuyện sâu sắc về hoa anh đào và văn hóa Nhật Bản
(なぜ日本人は桜の下で花見するか? 桜と日本文化の深い物語)
Vào thế kỷ thứ 10 thời Bình An, Pháp sư Soukei, khi chứng kiến những cánh đào mỏng manh rơi xuống bởi cơn gió, ông đã tiếc thương và thốt lên rằng:
“Có ai chỉ hộ ta
Ngọn gió cuốn anh đào
Đang trọ ở đâu không?
Ta muốn đến tận nơi
Để tỏ lòng oán hận.” (Nguyễn Nam Trân dịch)
Có rất nhiều bài thơ waka nói về tình yêu đối với hoa anh đào trong thời Heian. Từ cuối thời Heian đến thời Kamakura, hễ tứ thơ nào nói về hoa, đa số đều nhắc đến hoa anh đào. Có thể thấy rằng hoa anh đào là loài hoa đại diện áp đảo của các loài hoa trong thời kỳ này. Cuốn Đồ nhiên thảo (徒然草) – tập hợp các bài tiểu luận được viết bởi nhà sư Nhật Bản Yoshida Kenkō trong khoảng thời gian từ 1330 đến 1332, mô tả rằng, mỗi khi ngắm hoa, giới quý tộc thưởng đọc thơ, thưởng trà trong không khí thanh nhà; trong khi đó thì những người nông thôn mới đến chốn kinh kì thì uống trà, trò chuyện ồn ào khi ngắm hoa.
Văn hóa ngắm hoa tùy theo giai cấp, mỗi thời mỗi khác. Với người Nhật hiện đại, mùa xuân cũng là mùa khởi đầu mới, mùa nhập học, mùa nhập vào công ty. Những bông hoa anh đào đã tô màu cho những khởi đầu rực rỡ ấy, cảnh tượng đó có lẽ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí nhiều người dân sống trên đất nước này. Để hiểu mối quan hệ sâu sắc giữa anh đào và người Nhật, trước hết chúng ta phải quay lại thời đại xa xưa.
Sakura là loài hoa được tôn thờ từ thời thần thoại
Trong “Cổ sự kí” và “Nhật Bản thư kí” đề cập đến mối quan hệ giữa hoa anh đào và người Nhật qua nữ thần Konohanasakuya-hime (木花開耶姫 (Mộc Hoa Khai Da Cơ)) – một nhân vật trong thần thoại Nhật Bản, nàng công chúa của hoa nở, vị thần tượng trưng cho những đóa hoa anh đào. Có giả thuyết cho rằng từ sakura (hoa anh đào) xuất phát từ “Sakuya” trong cái tên Konohanasakuya. Trong dân gian, lại có giả thuyết cho rằng “Sa”, có nghĩa là thần của cánh đồng lúa, và “Kura”, nghĩa là ngai vàng của Thần, kết hợp lại tạo thành “Sakura”. Nhật Bản thời xa xưa, người dân sống bằng nghề nông. Họ tin rằng, vị thần của những cánh đồng lúa ngự trong những bông hoa anh đào nở rộ đó, nên Sakura là loài hoa được tôn thờ như một sự biết ơn vị thần đã trông coi mùa màng.
Thời kì Nara, hoa anh đào có vị thế thấp hơn hoa mận
Trong thời kỳ Nara, thời kì ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa, những đóa mận thơm và đầy màu sắc mà những người quý tộc đã đem về từ Trung Quốc chiếm được trái tim của người quý tộc hơn hoa anh đào. Có thể thấy rõ điều này qua số lượng bài hát được viết trong “Vạn Diệp Tập” , trong đó chỉ có 43 bài thơ viết về hoa anh đào nhưng số bài thơ về mận lại chiếm đến 110 bài.
Tuy nhiên, đối với những người dân thường sống và tôn thờ thiên nhiên, hoa anh đào nơi thần đồng lúa ngự, là loài hoa họ biết ơn, có vẻ như không có gì có thể thay thế được. Bước vào thời Bình An, khi Heiankyo (tên gọi cũ của Kyoto) được chọn làm kinh đô, văn hóa quốc gia bắt đầu phát triển phong phú. Kể từ thời Thiên hoàng Nhân Minh (仁明天皇), hoa mận được trồng thay thế thành hoa anh đào trong cung điện, từ đó lan truyền đến giới quý tộc.
Thời điểm ngắm hoa anh đào sớm nhất trong văn học được cho là vào năm 831 qua sự kiện “anh yến (花宴 – tiệc ngắm hoa) được tổ chức bởi Hoàng đế Saga tại Vườn Shinsen-en, và kể từ đó nó trở thành một sự kiện thường xuyên trong cung điện. Thậm chí, sự kiện này cũng được mô tả trong phần viết về “anh yến” trong “Genji Monogatari”.
Sự kiện ngắm hoa anh đào quy mô lớn do Hideyoshi tổ chức
Tuy nhiên, mãi cho đến thời Edo, hoa anh đào mới trở thành “quốc hoa” trong tâm trí người Nhật. Trong thời này, tại đền Kaneiji – ngôi đền do tướng quân Tokugawa Iemitsu xây dựng, một số lượng lớn cây anh đào hoang dã ở Yoshino đã được ghép cành, từ đó xuất hiện dãy cây hoa anh đào đầu tiên ở Edo. Sau đó, vị tướng quân Mạc Phủ Yoshimune thứ 8 đã tạo ra các điểm ngắm hoa anh đào để người dân Edo có thể thưởng lãm.
Sau đó, vào thời Azuchi-Momoyama, một lễ hội ngắm hoa anh đào quy mô lớn có tên gọi “Yoshino-no-hanami, 吉野の花見” lần đầu tiên được tổ chức bởi Toyotomi Hideyoshi. Sự kiện được tổ chức trong năm ngày, mời 5.000 trong đó có các nhân vật ảnh hưởng như Ieyasu Tokugawa, Toshiie Maeda và Date Masamune đến núi Yoshino – nơi trồng 1000 cây anh đào được lai ghép từ Osaka – tham dự. Vào năm 1598, lễ hội ngắm hoa ” Daigo no Hanami ” lớn thứ 2 được tổ chức tại chùa Daigo-ji, nơi có đến 700 cây anh đào được lai ghép với khoảng 1300 người tham dự.
Dù chỉ có thể ngắm vào mùa xuân nhưng hoa anh đào lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với người Nhật bởi sakura gợi lên những ký ức đã gắn bó với cuộc sống của con người Nhật. Đó là lý do tại sao mỗi khi mùa xuân về, người Nhật luôn nô nức chờ đợi.