A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Ôtsu-e, tranh dân gian Nhật Bản, ngay cả Picasso cũng yêu thích
(ピカソも魅了された日本伝統アートの乙絵)

Vào cuối thế kỉ 19, khi Ukiyo-e- và các mặt hàng thủ công Nhật Bản được bắt đầu giới thiệu trưng bày tại các buổi Triển lãm thế giới tổ chức chủ yếu ở Paris (tiếng Pháp gọi là Exposition Universelle Internationale), một cơn sốt về văn hoá nghệ thuật Nhật Bản đã thực sự bùng nổ ở châu Âu. Hơn 100 năm sau, lại một lần nữa, cũng tại Paris, lần đầu tiên nghệ thuật tranh dân gian Nhật Bản được giới thiệu rộng rãi cho công chúng Pháp qua cuộc  triển lãm “ÔTSU-E : peintures populaires du Japon (Ôtsu-e: Tranh dân gian Nhật Bản).

Ôtsu-e, là một dòng tranh dân gian có xuất xứ từ thành phố Ôtsu, tỉnh Shiga, được phát triển rộng rãi giữa thế kỉ 17 cho đến thế kỉ 19 (từ đầu thời đại Edo ~ giữa thời đại Minh Trị), để bán cho du khách và khách đi đường trên tuyến đường Tōkaidō thuộc thành phố Ôtsu. Tuyến đường Tōkaidō (đông hải đạo-東海道), là tuyến đường quan trọng nhất trong năm tuyến đường thời Edo ở Nhật Bản, nối từ Kyoto đến Edo (Tokyo ngày nay).

Bức tranh Quỷ chơi đàn shamisen, được sáng tác vào thế kỉ 18, thuộc Bảo tàng lịch sử thành phố Ôtsu, Nhật Bản

Ôtsue là gì?

Ban đầu, Ôtsu-e là những bức tranh thờ, vẽ các vị Phật xuất hiện vào khoảng thời đại Kanei (1624-1643). Vào thời kì Edo, sau biến cố đàn áp khốc liệt của chính quyền Mạc phủ Tokugawa đối với khởi nghĩa Shimabara, làm hơn 28,800 ngàn người tử nạn, các bức Ôtsu-e như tranh về Bất Động Minh Vương, 12 vị Phật, Ngài Thanh Diện Kim Cương, được ra đời mạnh mẽ như là một cách để xoa dịu cảm giác tội lỗi của dân chúng trong thời đại này. Thậm chí còn được sử dụng như những lá bùa yểm.

Ôtsu-e được yêu thích và phát triển mạnh vào giai đoạn giữa và sau của thời kì Edo với khoảng 10 đề tài chính.Trong đó, hơn một nửa là các bức mang tính giễu nhại, châm biếm về con người.

Tấm pa-nô giới thiệu loạt tranh Ôtsu-e với mô-tuýt là quỷ tại Triển lãm Ôtsu-e: Tranh dân gian Nhật Bản, Paris, năm 2019

Chất biếm hoạ trong Ôtsu-e

Nếu như tranh “美人画/mỹ nhân hoạ”thuộc dòng Ukiyo-e phát triển cực thịnh vào khoảng giữa thời kì Edo, thì với Ôtsu-e, đó là thể loại tranh châm biếm. Nét đặc trưng và cái đặc sắc của Ôtsu-e thể hiện ở tính “châm biếm”, miêu tả sự ngu ngốc và hài hước của con người. Mô-tuýt điển hình thường được vận dụng là quỷ, hoặc thiên lôi. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kế đến tác phẩm “Quỷ niệm Phật” (鬼の寒念仏).

Bức Quỷ niệm Phật, tranh nguyên bản, được trưng bày tại Triển lãm Triển lãm Ôtsu-e: Tranh dân gian Nhật Bản, Paris, năm 2019

Matsuyama Takahashi, hoạ, thế hệ thứ tư của cửa hàng tranh Ôtsu-e, hiện là cửa hàng duy nhất ở thành phố Otsu, nói rằng, “Đó là một kiệt tác của Ôtsu-e. Tôi không thể vẽ con quỷ nào có thể vượt qua con quỷ này nữa”.
Bức tranh đơn giản, nhưng có nét đường nét tạo bạo, phóng túng với gam màu nhấn là cam. Con quỷ mặc áo choàng nhà sư, cổ đeo cái chiêng. Tay trái cầm cuốn sổ danh sách người cúng dường, tay phải cầm cái búa. Đầu mọc sừng, nhưng một sừng bị vỡ. Quỷ ở đây đại diện cho trái tim của con người. Quỷ đột lốt nhà sư đại diện cho “kẻ giả hình”. Chiếc sừng tượng trưng cho sự “ngã chấp”. Một bên sừng bị vỡ biểu hiện ý “cái ngã hỏng mất rồi”. Ngoài ra, bức tranh còn có tác dụng như là lá bùa để ngăn trẻ em khóc vào ban đêm.

Mô-tuýt quỷ đi cùng với một mỹ nữ cũng là một mô-tuýt khá phổ biến trong giai đoạn này. Hãy xem tác phẩm thú vị như sau, Quỷ niệm Phật đằng nương đồ (鬼念仏藤娘図), vẽ cảnh quỷ đang cõng một mỹ nhân cầm hoa tử đằng.

Bức Quỷ niệm Phật đằng nương đồ

Sự ảnh hưởng của Ôtsu-e

Triển lãm “ÔTSU-E : peintures populaires du Japon (Ôtsu-e: Tranh dân gian Nhật Bản) diễn ra tại Paris,từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 15 tháng 6 năm 2019, trưng bày hơn một trăm tác phẩm Ôtsu-e, và một số bức ukiyo-e của các họa sĩ nổi tiếng từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 được cho là chịu ảnh hưởng bởi phong cách Ôtsu-e. 

Đặc biệt, có những bức Ôtsu-e thuộc bộ sưu tập cá nhân như nhà nhân chủng học André Leroi-Gourhan hoặc các nghệ sĩ như nhà điêu khắc người Catalan Eudald Serra, Miró, nhà sử học nghệ thuật người Mỹ Fenollosa, Picasso.

Bức “Mèo và chuột” được trưng bày tại Triển lãm Ôtsu-e: Tranh dân gian Nhật Bản, Paris, với dòng chú thích “Bức khuyến nghị nên mua của Picasso”

Sự đơn giản trong hình thức thể hiện, nét bút phóng túng tự do, tính chân phương và tính châm biếm của Otsu-e được cho tạo ra ảnh hưởng với một số loại hình nghệ thuật tiên phong trong thế kỷ 20 của Nhật Bản như đồ hoạ và Manga. Kuniyoshi, Kitagawa Utamaro, những nghệ sĩ nổi danh với dòng ukiyo-e, cũng từng tạo ra các phiên bản ukiyo-e nhại lại để mở rộng tinh thần châm biếm của nó.
Kitagawa Utamaro (1753-1806)

Một bức tranh của hoạ sĩ ukiyo-e Kitagawa Utamaro nhại lại bức Quỷ niệm Phật đằng nương đồ của Ôtsu-e

Bước sang thời kì Minh Trị, cùng với trào lưu đi theo văn hoá phương Tây, công chúng dần rời xa nghệ thuật dân gian. Trong thời gian này, các tuyến đường sắt cũng ngày càng được mở rộng, khiến lượng người đi bộ trên tuyến đường Tōkaidō giảm mạnh, và Ôtsu-e dần mất đi. Hiện nay, chỉ còn một cửa hàng duy nhất ở thành phố Ôtsu phát triển dòng tranh này.

Tượng lập thể của Matsuyama Takahashi, thế hệ thứ 4 của cửa hàng Otsu-e còn lại duy nhất ở thành phố Ôtsu cũng được trưng bày tại buổi triển lãm

Điểm thu hút lớn nhất của Ôtsue khiến nó khác biệt so với các dòng tranh dân gian khác là tính chất châm biếm. Châu Âu là nơi thịnh hành nhiều tranh biếm hoạ. Người Pháp đặc biệt rất thích tranh biếm hoạ. Nhưng điểm khác biệt là, trong khi tranh biếm hoạ ở các châu Âu thường mô tả những vấn đề chính trị, xã hội đương thời, Ôtsu-e biếm hoạ về con người, có tính giáo huấn. Vì thiên về châm biếm con người hơn là châm biếm xã hội, tôi nghĩ rằng nó có tính phổ quát, không thay đổi ngay cả khi thời đại thay đổi.

Ánh Hiền


Chú thích:

Bài viết được viết bằng sự tham chiếu các nguồn như sau:
・Nội dung buổi nói chuyện về Otsu-e tại Viện Pháp – Nhật ở Tokyo, 7/2016.
http://marquet.inalco.free.fr/doc/article2016-9.pdf???2016-9.pdf
・Bài báo giới thiệu cuộc Triển lãm Ôtsu-e: Tranh dân gian Nhật Bản, Paris
 https://www.mcjp.fr/fr/agenda/otsu-e
https://intojapanwaraku.com/jpart/75458/
・Bài báo giới thiệu bề Otsu-e trênTạp chí văn hoá và nghệ thuật Waraku của Nhật Bản
intojapanwaraku.com
https://intojapanwaraku.com/jpart/75458/

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map