日本での幸せライフレシピ
Nhật Bản đã xử lý rác thải như thế nào?
(日本国はゴミをどう処理しているか?)
Bạn có biết rằng Nhật Bản là nước có tỉ lệ rác chuyển thành năng lượng cao nhất thế giới và là nước có tỉ lệ cao nhất châu Á về rác tái chế? Và cũng chỉ có Nhật Bản mới biến nhà máy xử lý rác thải của họ trông giống như Disney Land mà thôi(nhà máy rác Maishima-ảnh).
Nhờ vào nhận định: rác thải hoàn toàn có thể mang lại lợi ích, cần phải tối ưu hóa để vừa giảm gánh nặng môi trường vừa mang lại việc làm và lợi nhuận, rất nhiều giải pháp tối ưu đã được đưa ra để cải thiện vấn đề rác thải và đem lại kết quả đặc biệt ấn tượng như ngày nay.
Rác thải tạo ra điện năng
Một trong những phương châm xử lý rác thải là chuyển hóa chúng thành năng lượng điện. Hiện nay chỉ có 1% lượng rác thải phải đưa vào bãi rác chôn lấp, hơn 70% sẽ được 1.000 nhà máy điện trên khắp Nhật Bản chạy bằng rác dùng để sản xuất điện.
Nhiệt tỏa ra từ nhà máy rác được sử dụng để làm ấm những bể nước ở trong khu vực, cũng như tự tạo ra đủ nguồn điện cho chính hoạt động của nhà máy, thậm chí là còn dư để bán công suất thừa trở lại vào lưới điện. Hầu hết chủ các nhà máy điện rác là các doanh nghiệp tư nhân, các công ty điện lực cũng hầu hết là của tư nhân sẽ mua lại điện và bán cho các hộ gia đình.
Rác thải dùng trong xây dựng
Bằng 12 triệu tấn rác thải, hòn đảo nhân tạo Odaiba đã được xây dựng nên, nằm ngoài vịnh Tokyo cách quận trung tâm Minato chỉ 1km và nơi đây đã trở thành một trung tâm thương mại, du lịch và nhà ở sầm uất.
Học tập Tokyo, nhưng không xây dựng đô thị và trung tâm thương mại, sân bay quốc tế Kansai, sân bay quốc tế Chubu cũng được làm từ rác lấn biển, cho tới nay đã có 5 sân bay được xây dựng bằng cách dùng rác lấp biển tạo đảo. Ở mỗi địa phương lại có các cách giải quyết riêng phù hợp nhất với đặc điểm của mình.
Rác thải tái sử dụng thành vật liệu khác
Các thùng nhựa đựng rác tái chế được tập trung về Trung tâm Tái chế Tài nguyên của các quận hoặc thành phố. Tại đây, rác được tái chế để tiếp tục vòng đời trong một hình dạng khác.
Sau khi qua xử lý, chai lọ sẽ biến thành các mảnh thủy tinh. Sau đó chúng sẽ được tái chế thành vật liệu lát đường hoặc tái sử dụng làm chai. Trong dây chuyền xử lý rác kim loại, nam châm được sử dụng để phân loại thép và nhôm. Dây chuyền này có công suất nén 1.400 hộp cùng lúc. Sau khi xử lý, rác kim loại sẽ trở thành nguyên liệu cho ngành vật liệu xây dựng, công nghiệp đóng hộp hoặc sản xuất ô tô.tên là Cờ Cá chép.
Các chai nhựa được nén lại thành kiện để tái chế thành sợi, sản phẩm văn phòng hoặc chai mới. Dây chuyền nén chai nhựa làm từ polyethylene terephthalate (PET) có thể nén 1 tấn mỗi giờ. Quần áo được làm từ sợi nhựa tái chế PET được trưng bày tại Trung tâm Tái chế Tài nguyên Minato. Hiện nay, quận Minato tái chế được khoảng 29,8% nguyên liệu tái chế và họ hy vọng có thể nâng cao tỷ lệ này lên mức 42% trước năm 2021.
Khí thải từ quá trinh tái chế cũng được tận dụng triệt để
Nhà máy khí hóa Showa Denko ở Ogimachi, tỉnh Kanagawa, nơi tạo ra khoảng 80 tấn nhôm từ khoảng 5 triệu hộp nhôm tái chế mỗi năm. Khí hydro tạo ra trong quá trình tái chế sẽ được sử dụng cho sợi acrylic và dược phẩm. Còn khí CO2 sinh ra được dùng cho nước đóng chai.
Bên cạnh đó, khí thải do đốt rác phải được lọc sạch hoàn toàn bụi và các chất độc hại trước khi đưa ra môi trường. Tro bụi sau khi xử lý tách độc được trộn với phụ gia để làm gạch.
Tất cả quy trình phải tuân thủ yêu cầu làm giảm lượng khí khải CO2, tiết kiệm năng lượng, tạo ra tác động tích cực với môi trường.