日本での幸せライフレシピ
Nguồn gốc văn hoá của quần đảo Okinawa, vùng đất mang nhiều ấn đậm nét của văn hoá của Vương quốc Lưu Cầu
(沖縄群島の起源・琉球王国文化の痕跡)
Okinawa là một hòn đảo xinh đẹp của Nhật Bản, trước kia là vùng đất thuộc vương quốc Lưu Cầu. Lưu Cầu là vương quốc ra đời vào năm 1429 ở quần đảo Tây Nam trước khi bị chính quyền Minh Trị giải thể vào năm 1879. Do lấy chính sách thương mại làm trọng điểm phát triển kinh tế của quốc gia, điểm đặc trưng của văn hoá Lưu Cầu là nơi tập hợp, giao thoa giữa nhiều nền văn hóa khác nhau như Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vào nửa sau của thế kỷ 16, cùng với sự phát triển của mỏ bạc Iwami ở Nhật Bản, các hoạt động buôn bán bạc ở các nước châu Á phát triển mạnh dẫn tới các thương nhân đường biển tư nhân xuất hiện. Kết quả, thương mại quá cảnh của Lưu Cầu giảm sút. Năm 1609, quân Shimazu của phiên Satsuma (薩摩島津軍) đem quân chinh phục Lưu Cầu, kể từ đó Lưu Cầu được sát nhập vào hệ thống Mạc phủ của Nhật trong khi đó vẫn duy trì quan hệ với Trung Quốc. Để đối phó với tình hình thương mại giảm sút, Lưu Cầu bắt đầu sản xuất và xuất khẩu đường nâu và ngô, cải tổ chính trị và trở thành một quốc gia nhỏ nằm giữa hai quốc gia lớn là Nhật Bản và Trung Quốc cho đến năm 1879.
Các đặc trưng của văn hoá Okinawa
Với bối cảnh địa lí, khí hậu và lịch sử riêng biệt, Okinawa có nền văn hoá rất khác biệt so với các vùng khác của Nhật Bản. Để hiểu về sự khác biệt văn hoá của Okinawa trước hết cần phải hiểu về tính đa dạng văn hoá của vương quốc Lưu Cầu. Có thể thấy rõ qua mối liên quan này qua một số đặc trưng văn hoá điển hình như sau.
Shisa
Shisa là linh vật của Okinawa, có hình dáng giống với sư tử, thường đặt ở trước cổng, trên mái nhà, hoặc thậm chí ở trên đường để bảo vệ người dân khỏi tai ương. Shisa trong tiếng địa phương Okinawa có nghĩa là sư tử, nhưng đây không phải là linh vật có nguồn gốc từ Okinawa, mà sản phẩm của sự giao tiếp văn hoá giữa Trung Quốc và Lưu Cầu. Lưu Cầu dưới thời cai trị của phiên Satsuma, được cải tổ theo mô hình Trung quốc hoá. Nho giáo được chấp nhận như là hệ tư tưởng của quốc gia, và các tư tưởng của Trung Quốc như tư tưởng phong thủy cũng được đưa vào. Vào thế kỷ 18, nhiều ngôi làng ở Okinawa được tổ chức và xây dựng theo học thuyết phong thuỷ của Trung Quốc. Và Shisa, giống với sư tử đá của Trung Quốc, cũng được phổ biến vào khoảng thời gian này.
Vũ điệu Lưu Cầu
Vũ điệu Lưu Cầu là một thuật ngữ chung để chỉ các điệu múa được kế thừa chủ yếu ở tỉnh Okinawa, thường được chia thành hai loại: múa cổ điển (múa cung đình) và múa tổng hợp.
Cùng với nghệ thuật thủ công, nghệ thuật biểu diễn của Lưu Cầu được phát triển và duy trì bởi giai cấp thống trị ở Cung điện Shuri, chứ không được phát triển tự do bởi cá nhân. Đối với vũ điệu cổ điển Lưu Cầu, các vũ công đều là quan chức nam. Trong đó, điệu múa Kumiodori, điệu múa ra đời vào năm 1719 được ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, là một trong những điệu múa đặc trưng nhất, được ra đời với mục đích nghênh đón các sứ giả Trung Quốc đến phê chuẩn ngai vàng của nhà vua. Điểm đặc sắc của điệu múa Kumidori là sự pha trộn tạp kĩ bao gồm âm nhạc, chuyển động cơ thể, đối thoại và khiêu vũ, dựa trên câu chuyện cổ của Nhật Bản và Trung Quốc và câu chuyện truyền thuyết của Lưu Cầu, đồng thời kết hợp các yếu tố văn hoá như kịch Nô, Kyogen, Kabuki và Mân kịch của Trung Quốc.
Sau khi chính quyền hoàng gia Lưu Cầu sụp đổ, các vũ công mất đi sự bảo vệ chính quyền, các điệu múa cổ điển cung đình được đơn giản hoá lại trở thành “điệu múa tổng hợp” để phục vụ cho công chúng tại các điểm giải trí trong thành phố.
Đàn ba dây sanshin
Sanshin là một nhạc cụ 3 dây của Okinawa được làm từ da rắn. Đó không chỉ là nhạc cụ giải trí thông thường mà là báu vật gợi nhớ đến lịch sử của vùng đất Lưu Cầu cũ. Nhiều người thường nhầm lẫn đàn sanshin với đàn shamisen, một nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản. Tuy nhiên, về nguồn gốc, Sanshin là đàn được thiết kế được lấy ý tưởng từ đàn Sanxian của Trung Quốc, tức là sẽ có “mặt đàn” nối với “cần” bằng ba “dây âm“ trong giai đoạn Lưu Cầu giao thương với Trung Quốc. Ban đầu, đây là loại đàn phổ biến ở triều đình của Vương quốc Ryukyu, sau đó dần dần phổ biến trong dân chúng. Để tạo ra một cây đàn Sashin được ví như sinh ra một đứa trẻ đòi hỏi phải chi tiết, cần mẫn và mất nhiều thời gian mới tạo được cây đàn có thanh âm chuẩn. Ban đầu, Sanshin được làm từ da trăn đất (một loài trăn chỉ có ở Đông Nam Á). Ngày nay, do hạn chế về số lượng và chính sách bảo vệ động vật hoang dã, người ta dùng đến trăn nuôi, cũng có khi được làm từ da rắn nhân tạo.
Nghệ thuật nhuộm vải bingata
Bingata là phương thức nhuộm màu truyền thống tiêu biểu ở Okinawa, một hình thức nhuộm thủ công mỹ nghệ truyền thống tiêu biểu của vương quốc Lưu Cầu được ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hoá giữa Lưu Cầu với Trung Quốc, Ấn Độ, Java. Vào thời đại vương triều Lưu Cầu, chỉ có giới hoàng gia và tầng lớp võ sĩ mới dùng phương pháp nhuộm này để tạo ra các trang phục hành lễ và trang phục hàng ngày. Ngoài ra, thường được dùng để tạo ra các trang phục cho các vũ công trình diễn để nghênh đón sứ giá của Trung Quốc.
Về màu sắc đặc trưng của Bingata, màu đỏ là màu được nhiều người rất yêu thích và đánh giá cao ở cả Nhật Bản và nước ngoài. Đó là gam màu không chỉ phản ánh khí hậu tự nhiên độc đáo của Okinawa mà còn giúp nổi bật sự tinh xảo của các hoa văn truyền thống.
Rượu Awamori
Nói đến văn hóa rượu sake của Okinawa, trước hết phải nhắc đến rượu Awamori. Trên tờ nhãn hiệu được dán ở chai Awamori, ngoài tên thương hiệu, nguyên liệu và nồng độ cồn, đều ghi thêm thông tin “Ryukyu Awamori”, một minh chứng thể hiện rượu chưng cất được làm ra ở Okinawa.
Trong phương ngữ Okinawa, Awamori còn được gọi là “Saki”. Đối với người dân địa phương, hễ nhắc đến sake, dân chúng sẽ nghĩ ngay đến từ Awamori. Về mặt lịch sử, tên gọi“Awamori” được xuất hiện đầu tiên vào năm 1671, khi vua Lưu Cầu tặng rượu cho tướng quân Tokugawa Ietsuna đời thứ 4. Về nguồn gốc tên gọi thì tồn tại hai giả thuyết phổ biến. Thứ nhất là giả thuyết dựa trên quan điểm cho rằng Awamori có nguồn gốc từ Ấn Độ. Tiếng Phạn cổ của Ấn Độ gọi rượu sake được gọi là Awamuri. Thứ hai là giả thuyết khi Lưu Cầu bị chi phối bởi Saitama phiên. Gia tộc phong kiến Satsuma đã đặt tên “Awamori” để phân biệt với rượu shochu của kyushu khi tặng sake làm quà cho Mạc phủ Tokugawa.
Không giống như Nhật Bản đại lục, vốn bị cô lập trong thời gian dài, hoạt động giao thương tích cực với các quốc gia láng giềng ở Okinawa, bao gồm cả thời đại Vương quốc Ryukyu, đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nền văn hóa riêng của vùng đảo xinh đẹp này. Đó là lí do tại sao văn hoá Okinawa luôn hấp dẫn không chỉ với người Nhật mà còn đối với du khách nước ngoài.
Ánh Hiền