日本での幸せライフレシピ
Ngủ gật ở Nhật Bản – liệu đây có là nét đặc trưng ?
(居眠りは日本の文化!?)
Nguyên nhân chủ yếu khiến bạn hay ngủ gật vào ban ngày khi đang làm việc hoặc học tập chủ yếu là do bạn chưa ngủ đủ giấc.Về đêm, nếu giấc ngủ của bạn không được sâu hoặc bạn thường bị mất ngủ thì chắc chắn những ngày đó cơ thể sẽ có phản ứng tiêu cực. Nhưng đối với người Nhật đây là một chiến tích.
Theo tiến sĩ Brigitte Steger, giảng viên cao cấp chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Downing College Cambridge, inemuri có thể được dịch là “ngủ trong khi có mặt”. Nói rộng hơn, inemuri dùng để miêu tả những giấc ngủ ngắn không cố ý tại nơi công cộng, trên tàu hay tại văn phòng. Người Nhật cho rằng những người ngủ gật đã làm việc chăm chỉ tới mức kiệt sức nên họ phải ngủ như thế. Họ không cho rằng hành động ngủ gật đại diện cho sự lười biếng.
Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, nước Nhật bước vào giai đoạn bùng nổ phát triển về kinh tế. Trong giai đoạn này, đức tính cần cù chăm chỉ của người Nhật được thể hiện một cách rất rõ ràng. Mỗi ngày của một người Nhật thường được lấp đầy bởi công việc và các hoạt động vui chơi giải trí, hầu như họ không có thời gian cho việc ngủ. Lối sống như vậy khiến nhiều người cho rằng, người Nhật thực sự đang “điên cuồng” làm việc một cách tiêu cực. Nhưng người Nhật lại không nghĩ vậy. Trái lại, họ còn cảm thấy rất tự hào vì sự siêng năng có phần vượt trội so với nhân loại.
Hầu hết ở các quốc gia, ngủ trong công việc có thể khiến bạn bị sa thải. Tuy nhiên, ở Nhật, ngủ trưa trong văn phòng là một hình ảnh không hề hiếm thấy mà còn được chấp nhận và được xem như một văn hoá của người Nhật gọi là văn hoá ngủ gật.
Dường như, người ngủ gật có lẽ cũng chứng tỏ rằng mình đã làm việc chăm chỉ và tận tụy. Hình ảnh ngủ gật có thể bắt gặp ở nhiều nơi và rất phổ biến. Công viên, ngoài đường, ngoài ga, hàng ghế chờ và dễ nhìn thấy nhất chính là tàu điện.