日本での幸せライフレシピ
Mirin là thức uống dưỡng sinh cao cấp có nguồn gốc từ thời Chiến Quốc! Giới thiệu về các loại Mirin phổ biến của Nhật Bản
(日本の「みりん」について)
Tạo vị ngọt thanh, khử mùi tanh hay tạo độ bóng bẩy cho thực phẩm là những tác dụng tuyệt vời của mirin, một trong những gia vị không thể thiếu khi nấu đồ Nhật. Nhưng, có lẽ nhiều người không biết rằng, mirin không chỉ là gia vị thông thường, mà còn là một thức uống dưỡng sinh cao cấp có nguồn gốc từ thời Chiến Quốc của xứ sở anh đào. Để hiểu hơn về công dụng tuyệt vời của nó, mời bạn tìm hiểu câu chuyện thú vị này như sau.
Mirin là gì?
Nguyên liệu sản xuất mirin là gạo nếp, gạo tẻ, rượu shochu hoặc rượu ủ. Nói cách khác, mirin là 1 loại rượu gạo, được làm bằng cách thêm gạo Koji và rượu shochu vào gạo nếp để hấp và ủ từ từ trong khoảng nửa năm đến một năm. Bằng cách này, các thành phần thơm ngon như axit amin và đường được giải phóng ra, mang vị ngọt và có độ cồn khoảng 14 độ.
Nguồn gốc và lịch sử ra đời của mirin
Theo các tài liệu ghi chép lại, mirin ra đời vào thời chiến quốc. Đó là thời đại mà Nhật Bản bị phân tranh quyền lực và chia cắt thành nhiều vùng, mỗi vùng được cai trị bởi một lãnh chúa gọi là Daimyo. Trong đó, quyền lực cao nhất thuộc về tay Shogun (Tướng Quân). Vào thời kì này, người Nhật có loại rượu đặc trưng là rượu gạo trắng và 1 loại sake khác gọi là nerizake. Để ngăn chặn việc 2 loại rượu bị thối rữa, người ta đã cải tiến bằng cách thêm vào rượu lên men khác gọi là Shōchū, tạo nên rượu ngọt mirin như bây giờ. Ngoài ra, cũng có một giả thuyết khác cho rằng, mirin là một loại rượu được du nhập từ Trung Quốc vào thời chiến quốc, gọi là Miirin (蜜淋 – mật lâm). Vào thời kì này, mirin chưa được dùng như một loại gia vị mà được uống như một loại rượu ngọt có tác dụng dưỡng sinh.
Vào thời kỳ Edo, khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản bước vào giai đoạn thái bình, thịnh vượng về kinh tế, với độ cồn nhẹ và hương vị ngọt thơm ngon, mirin là loại rượu ngọt cao cấp được phái nữ yêu thích. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, có vẻ như Mirin không có độ ngọt mạnh như bây giờ. Vị ngọt của mirin được tạo ra do sự chuyển hóa từ tinh bột của gạo Koji thành đường, nhưng do công nghệ sản xuất Koji chưa phát triển nên không thể đạt được độ ngọt đậm đà.
Vào thời Minh Trị và Đại Chính, khi xã hội trở nên ổn định, kéo theo nhu cầu tiêu thụ mirin như một loại đồ uống bổ dưỡng và gia vị nấu ăn gia tăng trên toàn quốc. Đặc biệt, từ cuối thời Taisho đến đầu thời đại Showa, với nhu cầu tăng mạnh trong dân chúng, xuất phát là một thức uống cao cấp, mirin được phát triển rộng rãi và phong phú như là một gia vị không thể thiếu của người Nhật.
Các loại mirin
Mirin có 3 loại. Loại thứ nhất là “gia vị kiểu mirin” (みりん風調味料), thường được bán với giá rẻ. Đây là một loại gia vị tổng hợp có hương vị tương tự như mirin đi kèm với các chất phụ gia dành cho thực phẩm. Đa số “gia vị kiểu mirin” thường không chứa cồn.
Loại thứ 2 phổ biến hơn được gọi là “honmirin” (本みりん), có chứa cồn. Honmirin được làm bằng cách lên men từ gạo nếp, gạo Koji và rượu trong thời gian dài, trong khi “gia vị kiểu Mirin” là loại gia vị được pha trộn các hỗn hợp từ đường glucose và nước, gạo Koji và phụ gia thực phẩm khác trong một thời gian ngắn.
Loại còn lại gọi là “Mikawa mirin (三河みりん)” được làm theo phương pháp sản xuất truyền thống. Nguyên liệu được dùng để làm “Mikawa mirin” là gạo nếp, gạo Koji, và shochu, với thời gian ủ rượu là hơn một năm. Mikawa mirin là một đặc sản đến từ vùng Mikawa ở phía đông tỉnh Aichi, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nước trong và khí hậu ấm áp. Với bề dày lịch sử sản xuất lâu đời, Mikawa tự hào là vùng đất có số lượng nhà cung cấp mirin lớn nhất ở Nhật Bản.
Sự khác biệt về thành phần và thời gian ủ được phản ánh rõ ràng trong hương vị và hương thơm của mirin. Nếu so sánh chúng, bạn sẽ thấy sự khác biệt là hết sức rõ ràng!