日本での幸せライフレシピ
Mèo trong văn hóa của Nhật Bản từ xưa tới nay
Nhật Bản có tình yêu mãnh liệt với mèo. Điều này thể hiện rõ nét trong văn hóa đại chúng Nhật Bản: Hello Kitty. Những quán cà phê mèo. Tai mèo điện tử có thể đeo phản hồi trạng thái cảm xúc của bạn. Hàng loạt truyện tranh về mèo. Điểm đến du lịch nổi tiếng Gotokuji, một ngôi chùa ở phường Setagaya của Tokyo, nơi tự xưng là quê hương ban đầu của mèo gọi khách – Maneki Neko. Ngôi chùa mèo nổi tiếng Nyan Nyan Ji ở Kyoto nơi có một nhà sư mèo thực sự.
Mèo có ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Có thể dễ dàng nhận thấy chúng được yêu mến, nhưng Nhật Bản cũng rất sợ mèo. Đất nước này có một lịch sử văn hóa dân gian lâu đời, trong đó truyền tụng những câu chuyện đáng sợ về những con mèo có sức mạnh linh dị, từ những kẻ biến hình (bakeneko) đến những con quỷ ăn xác ghê rợn (kasha).
“Chú mèo siêu nhiên” đầu tiên ở Nhật Bản được ghi nhận là vào thế kỷ 12. Theo các ghi chép, có một con mèo hai đuôi khổng lồ, ăn thịt người được mệnh danh là nekomata đã rình rập một khu rừng ngày nay là tỉnh Nara, cố đô của Nhật Bản. Có suy đoán rằng truyền thuyết về nekomata xuất phát từ một con hổ vốn được đưa từ Trung Quốc sang, nhưng trốn thoát ra ngoài; hoặc những gia súc hay vật nuôi khác bị mắc bệnh dại.
Vào thời Edo, một loài mèo siêu nhiên mới đã xuất hiện – một con mèo có thể thay đổi hình dạng: bakeneko. Khi Nhật Bản đô thị hóa, quần thể mèo và người cùng tăng dân số. Bấy giờ, mèo ở khắp mọi nơi; không chỉ là vật nuôi trong nhà để đuổi chuột, mà còn là đám mèo hoang sống bằng thức ăn thừa từ quầy sushi hay ramen. Cùng với đó là những câu chuyện về con mèo có thể biến thành hình dạng con người.
Có thể lý giải như sau. Những ngôi nhà Nhật Bản hầu hết được thắp sáng bằng đèn dầu cá. Mèo rất thích đến gần để liếm láp và vào ban đêm, dưới ánh đèn rực rỡ, chúng đổ bóng rất lớn lên các bức tường, dường như biến thành những sinh vật to lớn và khi chúng vươn người như thể đứng bằng hai chân sau.
Thời Edo cũng có tin đồn bắt đầu lan truyền rằng một số kỹ nữ mua vui quanh ở thủ đô Edo hoàn toàn không phải là con người, mà là bakeneko biến thành.
Tuy nhiên loài mèo siêu nhiên tồn tại lâu nhất thời Edo là maneki neko, hay chú mèo may mắn. Mặc dù thực sự là được tạo ra với mục đích thương mại, chú mèo vẫy tay này có nguồn gốc từ dân gian. Ngôi chùa Gotokuji kể về một chú mèo tình cờ đã cứu một lãnh chúa samurai khỏi bị sét đánh trong một trận bão kinh hoàng. Vị lãnh chúa đứng ra bảo trợ cho ngôi chùa vẫn tồn tại cho đến ngày nay, bán ra hàng nghìn mẫu maneki neko cho du khách.
Ngoài ra, có một nguồn khác kể về một bà lão nghèo mơ thấy một con mèo. Con mèo bảo bà làm một con mèo bằng đất sét để bán ở chợ. Người phụ nữ chào bán tượng mèo và kể câu chuyện của mình, bán ngày càng nhiều tượng mèo cho đến khi giàu có và hạnh phúc. Những bức tượng mèo tương tự này vẫn được bán trên toàn thế giới ngày nay với tên gọi Maneki Neko. Rõ ràng, cả hai câu chuyện đều không thể là sự thật, nhưng điều đó không ngăn cản doanh số bán hàng tăng vọt. Thật thú vị khi mọi câu chuyện dân gian đều có mục đích kiếm tiền. Ngay cả các họa sỹ ukiyo-e cũng phát hiện ra rằng tác phẩm bakeneko của họ bán chạy hơn.
Văn hóa dân gian Nhật Bản vẫn còn rất nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến loài mèo. Hầu hết truyện thần thoại về mèo đều được sinh ra vào thời Edo, tuy nhiên tất nhiên vào thời hiện đại vẫn có những loài mèo siêu nhiên mới được hình thành. Nhật Bản yêu mèo, và hẳn là cũng rất sợ mèo tinh.