A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Mẹ Nhật rèn tính kỉ luật cho con thế nào?
(日本の母親はどのようにしてしつけをしているのか)

Ăn dặm kiểu Nhật, Dạy con kiểu Nhật…là một trong những đầu sách phổ biến ở Việt Nam. Quả thật, khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ dễ thương, lễ phép, có kỉ luật của các mẹ Nhật, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rất an lòng và muốn học hỏi bí quyết của họ. Vậy thì, mẹ Nhật rèn tính kỉ luật cho con thế nào? Bài viết sau là một loạt tổng hợp bí kíp sẽ dẫn lối khai mở điều này. Hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích.

Nên bắt đầu rèn tính kỷ luật con mình từ khi nào?

Rèn con tính kỉ luật là một việc rất khó. Nếu chọn thời điểm không thích hợp sẽ phản tác dụng và tạo ra những hệ quả không tốt về sau. Trước hết, cần phải hiểu cái thuật ngữ rèn tính kỉ luật này. Trong tiếng Nhật, từ okataduke (お片付け) là từ chỉ “rèn”, “taọ nếp”. Trong đó, nghĩa gốc của nó là “dọn dẹp”. Vậy thì, khi nào thì mới “rèn” con? Câu trả lời phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bé.

Bữa ăn

Một số bà mẹ bắt đầu rèn con cách thức ăn uống trong giai đoạn trẻ ăn dặm. Lưu ý rằng, rèn ở đây không có nghĩa là áp đặt, mẹ muốn con làm cái này làm cái kia, mà là một cách thức để con vào nếp. Chẳng hạn như không đặt chân lên bàn trong bữa ăn, khi ăn thì không đứng dậy và rời khỏi ghế. Các bà mẹ khác còn dạy trẻ cách rửa tay và không nghịch đồ ăn. Một số bà mẹ khác thì dạy con cách chào hỏi trước và sau bữa ăn khi con họ biết nói. Để làm được điều này thì đòi mẹ phải có quy tắc linh hoạt. Nếu bạn ép trẻ quá sớm hoặc la mắng có thể khiến trẻ có tâm lí chán ăn. Ví dụ, khi trẻ không muốn ăn mà nghịch thức ăn dù đã “dụ” bé vài lần nhưng vẫn không hợp tác thì các mẹ Nhật sẽ dẹp đồ ăn đi và để con chơi. Nguyên tắc ở đây là: giờ nào việc đó. Quan trọng hơn hết là truyền tải niềm vui khi ăn uống, cần trẻ hiểu một số giới hạn và nguyên tắc ăn uống.

Dọn dẹp

Với người Nhật, sự ngăn nắp là yếu tố quan trọng để sống khi trưởng thành. Do đó, ngay từ nhỏ các bà mẹ đã dạy con mình giữ mọi thứ ngăn nắp. Khởi đầu là biết cách thu dọn đồ dùng cá nhân, sách và đồ chơi. Thời điểm thích hợp để rèn con là khi bé đã có thể tự đi. Lúc đầu, các bà mẹ sẽ lấy một hộp đồ chơi để gần con, làm mẫu, và hướng dẫn “để nó vào đây”. Với sách cũng tương tự như vậy. Trước hết, bạn cần chuẩn bị giỏ đựng hay kệ phù hợp để bé có thể tự làm một cách dễ dàng.

Tác phong khi đi chơi

Khi một đứa trẻ lên hai hoặc ba tuổi, các mẹ Nhật đã bắt đầu dạy phép xã giao khi đi ra ngoài hay trên phương tiện công cộng. Việc tranh giành đồ chơi, làm ồn, la hét, chạy nhảy ở không gian công cộng cũng là những hành vi “xấu” mà ba mẹ cần rèn cho con.

Tuy nhiên, thực tế việc rèn trẻ cần cả quá trình và sự kiên nhẫn. Dưới đây là một số mẹo mà các mẹ Nhật thường chia sẽ cho nhau trong hành trình này.

Bố mẹ làm mẫu

Để trẻ làm theo một cách tự nhiên, trước tiên người lớn phải là hình mẫu cho con cái. Vì trẻ con có xu hướng bắt chước người lớn làm. Khi bắt chước được mẹ làm gì đấy, bé sẽ cảm thấy vô cùng sung sướng. Dạy con một đằng mẹ làm một nẻo thì phản tác dụng. Một lưu ý khi làm mẫu là, bạn cần phải làm từ từ, chậm rãi, tránh việc vừa nói vừa làm vừa khiến bé mất tập trung.

Khen ngợi những gì trẻ làm được

Khi bắt đầu rèn con, nhiều phụ huynh có xu hướng lo lắng về những gì con chưa làm được. Sự lo lắng đó xuất phát từ tâm lí tìm kiếm sự hoàn hảo của cha mẹ đối với con cái. Điều quan trọng là bạn phải nhìn vào những gì con đã làm và quan sát sự trưởng thành của con. Thừa nhận và khen ngợi khả năng của con bạn cũng là cách thức dẫn đến sự tự tin.

Tạo môi trường dễ dàng cho trẻ em thực hành

Ví dụ khi ăn, để trẻ có thể vào nếp, tập trung vào bữa ăn của mình, bạn cần phải tắt TV, nhạc và cất đồ chơi để con bạn không bị phân tâm. Kệ, tủ để đồ phải có độ cao vừa tầm để trẻ có thể dễ dàng bỏ vào. Nếu không tạo một môi trường dễ dàng cho trẻ thực hành, bé sẽ có xu hướng dễ chán và bất hợp tác.

Thời điểm bắt đầu rèn trẻ khác nhau tuỳ theo mỗi gia đình, và dường như không có thời gian cố định. Bạn nên bắt đầu bằng cách quan sát thói quen hàng ngày của con bạn, ghi lại những việc bạn có thể làm, chẳng hạn như ăn uống, dọn dẹp và phép xã giao khi ra ngoài và tạo cho chúng một thói quen. Từ từ kiên nhẫn, tôn trọng trẻ không áp đặt là những tiêu chí quan trọng để áp dụng khi rèn đứa con thân yêu của mình.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map