A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Leo núi ở Nhật – Sở thích và những điều cần biết cho người mới bắt đầu
(日本でトレッキング・基本の知識)

Gần đây càng ngày càng có nhiều người bắt đầu leo núi, nếu được đồng nghiệp rủ đi, bạn có sẵn sàng không? Một số đồng nghiệp của tôi đã từng rủ tôi và các gia đình có con nhỏ, tuổi từ 1 hoặc thậm chí bé hơn đi trải nghiệm leo núi. Họ chỉ cho tôi bộ sưu tập huy hiệu các núi họ đã leo, thật là nhiều, như những ngày đầu tôi từng sưu tập tem vậy. Con của đồng nghiệp tôi đã tham gia câu lạc bộ leo núi từ những ngày đầu vào cấp 3, và các em ấy tập đeo ba lô 20 kg đi đường núi. Leo núi thường được gọi là tozan(登山), hiking hay trekking.

Có nhiều lí do để leo núi: theo đuổi sở thích, thư giãn sau những ngày bận rộn, luyện tập sức khỏe, giảm béo, giao lưu, kết bạn, thưởng ngoạn thiên nhiên, cảm nhận các thay đổi của thiên nhiên theo mùa. Người Việt thường chỉ biết đến núi Phú Sĩ và muốn chinh phục núi Phú Sĩ. Là những người mới bắt đầu, chúng ta cần trang bị những kiến thức gì và núi Phú Sĩ nằm ở cấp độ nào trong các bậc khó của leo núi?

Cùng với nhiều mặt lợi của leo núi, chúng ta cũng thường nghe đến các tai nạn do leo núi.  Theo thống kê của Cục Cảnh sát, năm 2017 có đến 40,2% các tai nạn gặp phải trên núi là do lạc đường, 16,8% do trượt, 15,1% do ngã, 7,5% do bệnh, 5,6% do mệt. Nên việc chuẩn bị kiến thức và đồ dùng trước khi đi rất quan trọng.

Để leo núi, cần tra cứu về địa điểm. Trang web http://www.yamaquest.com/ giới thiệu các ngọn núi theo từng khu vực, tỉnh, cấp độ khó (chủ yếu dựa trên ba yếu tố từ trái sang phải là độ dốc, thời gian cần để đi, khoảng cách đi, độ cao tính từ mặt nước biển, độ cao của ngọn núi bắt đầu từ vị trí leo). Ví dụ ngọn này thuộc trình độ sơ cấp 初級, thời gian đi bộ chỉ 2 giờ 5 phút, khoảng cách đi chỉ 5km, độ cao leo đến đỉnh chỉ 139m.

Tiếp đến cần tra thời tiết tại ngọn núi mình dự kiến đi, tuyệt đối không nên đi vào những ngày thời tiết xấu hoặc sau đợt thời tiết xấu, mưa bão vì rất dễ xảy ra trượt, sạt lở, đổ cây. Có thể tham khảo trang https://tenki.jp/lite/mountain/

Để biết được kinh nghiệm leo từng ngọn núi nhất định, từng tuyến đường nhất định, có thể tham khảo nhật ký leo núi dành cho ngọn núi mình muốn leo của những người đã đi trước tại trang web cần đăng ký sau: https://www.yamareco.com/

Các lưu ý trước khi đi:

  • Cần chuẩn bị áo quần, giày dép:
    1. Áo mưa rời, có tác dụng chống thấm nước mưa nhưng vẫn thoát mồ hôi, thường loại Gore-tex là yên tâm đảm bảo chất lượng để leo núi.
    2. Giày có mũi giày, đế giày cứng, có thể ôm được mắt cá chân, chống thấm nước.
    3. Ba lô thể tích khoảng 20-30 lít cho chuyến đi trong ngày, 30-40 lít cho chuyến đi ở lại một đêm, có tấm che chống thấm nước, có thể để được nước và thức ăn và các dụng cụ cần thiết, dự phòng khác cho một chuyến đi trong ngày hay qua ngày.
    4. Mặc áo quần nhiều lớp để có thể điều chỉnh khi thay đổi nhiệt độ, chọn loại nhanh rút mồ hôi thành phần là polyester, nếu có loại chuyên dùng để chơi thể thao, chạy thì càng tốt. Leo núi cao thì nhiệt độ trên đỉnh núi sẽ thấp và lạnh khi lên cao; khi mới bắt đầu leo sẽ nóng lên, nên mặc nhẹ lúc bắt đầu.Tránh áo vải cốt tông, quần jeans, tuy thấm mồ hôi tốt nhưng bó, khó vận động, rất lâu khô, nếu bị ướt sẽ dễ bị cảm lạnh. Lớp trong cùng phải thoáng mát vì khi nóng lên, bạn không thể cởi thêm được nữa.
  • Để tránh lạc, bạn nên in, vẽ bản đồ leo núi trước, chia ra mỗi người cầm một bản.
  • Các thiết bị liên lạc đem theo phải sạc pin đầy đủ và đem theo pin dự phòng. Tuyệt đối không chụp ảnh selfie đến cháy pin.
  • Báo với bạn bè, người thân về kế hoạch của mình, địa điểm, thời gian, lịch trình trong ngày để khi mình không về, chính họ sẽ là người liên lạc nhờ tìm kiếm.

Các lưu ý khi leo núi:

  • Chào hỏi mọi người gặp phải trên đoạn đường leo núi.
  • Không hái hoa, giẫm cỏ để chụp ảnh làm ảnh hưởng hệ sinh thái.
  • Nộp tờ khai lịch trình leo núi dành cho các ngọn núi cao tại các vị trí, hộp quy định ở cổng vào.
  • Khi thấy đá rơi hoặc bản thân làm đá rơi, phải hét to hết Raku/Rock vừa có nghĩa là đá trong phát âm tiếng Anh và nghĩa là rơi trong phát âm tiếng Nhật để người khác chú ý.
  • Giữ bình tĩnh, không hoảng loạn khi gặp gấu hoặc các động vật nguy hiểm khác.
  • Nếu núi dốc, hãy chuẩn bị gậy hoặc cành cây rừng những người đi trước để lại ven đường, đặc biệt lúc xuống núi.
  • Chọn các vị trí đặt chân an toàn, không trơn trượt. Khi đi xuống nếu đau đầu gối, có thể đi ngang  người.
  • Đọc trang web sau có các lời khuyên dạng manga cho các bạn mới leo núi. https://beginner.yamap.co.jp/

Người mới leo núi thì tốt nhất nên leo vào mùa xuân hoặc mùa thu vì thời tiết này dễ leo, và có nhiều núi để chọn leo hơn. Mùa xuân leo núi để thưởng ngoạn lá non, mùa thu thì lá vàng, lá đỏ. Rất nhiều núi ở Nhật có hồ trên cao nên lên núi để đi thuyền dạo hồ và thả bộ xuống núi theo dòng suối. Tuy nhiên, nếu ngọn núi cao quá thì mùa xuân và mùa thu cũng có thể có tuyết nên phải nghiên cứu kỹ. Và khi mới bắt đầu, nên chỉ chọn ngọn núi vừa sức và đi với người có kinh nghiệm, bàn luận kỹ về kế hoạch chuyến đi.

Để tham khảo các địa điểm kết hợp leo núi và ngắm lá vàng, lá đỏ, các bạn có thể tham khảo trang web sau, và vào trang ở trên để kiểm tra lại độ khó của chỗ mình muốn đi nhé.
https://yamahack.com/2923

Chúc các bạn có những trải nghiệm leo núi kết nối với thiên nhiên tuyệt vời và an toàn. Hãy chia sẻ thông tin cho bạn bè để tránh các trường hợp bạn bè leo núi mà không biết gì, lên đến nơi thì tá hỏa, lúc về thì bị thương nhé.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map