日本での幸せライフレシピ
LỄ HỘI CÁ CHÉP KOINOBORI MATSURI CÓ GÌ THÚ VỊ?
(鯉のぼり祭りに何があるか)
Bạn có biết rằng từ thời Edo (1603 – 1868) người Nhật đã tổ chức lễ hội Koinobori Matsuri. Người Nhật chọn hình ảnh cá chép trong vô vàn các loài cá vì cá chép biểu tượng cho lòng dũng cảm và tính ngoan cường, vượt ngũ môn để hoá rồng. Trong tiếng Nhật “nobori” là tượng trưng cho hình ảnh những con cá bơi ngược từ dưới sông lên thác, và “koi” là cá chép.
Lễ hội Koinobori là gì
Theo truyền thống của người Nhật vào dịp lễ hội Koinobori này những gia đình có con trai sẽ được treo trước nhà mình những dải đèn lồng hình cá chép. Nhà càng nhiều con trai sẽ càng treo nhiều đèn lồng, mỗi cái tương ứng với một người con trai. Đèn lồng cá chép thường sẽ có 5 màu: đỏ, xanh lam, xanh lá, đen và xanh tím. Không giống như những chiếc đèn lồng khác, đèn lồng cá chép chỉ có đèn chứ không có nến bên trong. Đèn được làm bằng vải có in hoa văn hình cá chép, bên trong may rỗng để đón gió. Miệng đèn cũng là miệng của cá chép, được làm rộng ra để đón gió vào. Khi có gió lùa vào, đèn sẽ bay lên giống như là con cá chép đang bơi. Vì thế nên đèn lồng này còn có tên là Cờ Cá chép.
Câu chuyện về màu của đèn lồng cá chép
Màu của những lá cờ cá chép Koinobori thường có 3 màu cơ bản là đỏ, xanh và đen thể hiện cho những đức tính sau:
●Màu đen biểu hiện cho mặt nước mùa đông tĩnh lặng. Đây làm màu tượng trưng cho người cha là người phải trầm tính, và nước là nơi bắt nguồn của mọi sự sống.
●Màu đỏ là màu lửa vào mùa hạ, màu tượng trưng cho người mẹ. Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài, và lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ.
●Màu xanh là màu của cây cỏ mùa xuân đâm chồi nảy lộc, vươn thẳng, biểu hiện cho sự phát triển của trẻ em.
Cờ Koinobori được được trang trí rất đẹp. Bay phấp phới trong bầu trời xanh mang theo lời cầu nguyện của các bậc cha mẹ về sức khoẻ và tương lai tốt đẹp cho những con trai của họ.
Những nét truyền thống của lễ hội
Trong lễ hội người Nhật sẽ làm các món bánh truyền thống như mochi hay các bánh có hình dạng cá chép để mời khách.
Trong những ngày này người Nhật còn trưng bày những con búp bê Kintarou, làm bánh gạo nếp (gọi là bánh mochi) với đậu đỏ, bọc trong lá sồi (kashiwa) và bánh gạo nếp bọc lá tre (gọi là bánh chimaki).
Tự tay trang trí đèn lồng cá chép đơn giản tại nhà
Và bạn có biết rằng cờ cá chép có thể làm nhanh gọn và đơn giản tại nhà, sử dụng như một món đồ trang trí bàn làm việc, hoặc cùng thực hiện với trẻ con như một trò chơi tương tác thú vị. Mời bạn bắt tay thực hiện nhé:
Chuẩn bị :
●Một thanh tre (cái này để treo cờ lên đấy, ngắn dài to nhỏ là phụ thuộc vào kích thước bạn mong muốn)
●Một tấm vải hình chữ nhật hoặc giấy gió (bạn phải đảm bảo loại vải hay giấy được chọn phải thật nhẹ và chắc nhé để khi có gió thì cờ tung phấp phới đẹp hơn)
●Dây vải, dây kẽm, kéo, keo, bút màu trang trí…
Cách làm :
Bước 1: Các bạn gấp đôi tấm vải hay tờ giấy lại, vẽ một nửa chú cá chép, sau đó cắt ra sẽ thấy được hai phần cá chép đang dính liền nhau.
Bước 2: Trang trí chú cá với màu sắc theo ý bạn, càng sặc sỡ sinh động càng tốt
Bước 3: May hay dán mép của chú cá bạn vừa vẽ xong, nhớ là đừng may bít cả phần miệng cá nhé.
Bước 4: Làm một khoanh kẽm tròn may vào miệng cá, các bạn đục 3 lỗ nhỏ để luồn dây vải vào nhé.
Bước 5: Chụm 3 dây vải bạn đã móc sẵn thành một. Sau đó cột/dán lên thanh tre. Và sau khi hoàn tất bạn chỉ cần đem thanh tre của mình trang trí bàn làm việc hoặc treo ở chỗ có gió thổi lồng lộng thôi nè. Thật đơn giản phải không nào?