日本での幸せライフレシピ
Lão hoá dân số và tỉ lệ sinh giảm – “cuộc khủng hoảng quốc gia”, liệu chính quyền Suga có thể làm được gì?
(高齢化・国家の危機・菅政権は何ができるか?)
Lão hoá dân số và tỷ lệ sinh giảm là cuộc khủng hoảng quốc gia mà Nhật Bản vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời giải đáp. Theo số liệu thống kê, số trẻ sinh ra vào năm 2019 đạt tỉ lệ thấp nhất trong 120 năm qua. Cụ thể, số lượng ca sinh trong năm 2019 là 860.000, ít hơn 50.000 so với năm trước. Đây là lần đầu tiên số người giảm xuống dưới 900.000 người kể từ khi số liệu thống kê được thu thập vào năm 1899.
Trong khi đó, vào giữa tháng 9 năm 2020, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản công bố số người cao tuổi từ 100 tuổi trở lên trên toàn quốc đạt mức cao kỷ lục là 80.450 người. Tăng 9176 người so với năm ngoái, và là năm liên tiếp tăng trong vòng 50 năm trở lại đây. Nói một cách tổng thể, số lượng người Nhật Bản sống ở Nhật Bản đã giảm khoảng 500.000 người vào năm 2019. Nguyên nhâny là do số người chết vượt xa số lượng sinh. Khi số lượng người nước ngoài tăng thêm khoảng 200.000 người, tổng dân số chỉ giảm dưới 300.000 người.
Vậy thì, thủ tướng Suga, người có chính sách kế thừa các biện pháp đối phó với vấn nạn tỷ lệ sinh giảm và dân số già tăng từ chính quyền Abe, có thể làm được gì? Mời bạn theo dõi một số điểm chính như sau.
Kêu gọi giải quyết vấn đề trẻ em đợi nhà trẻ
Mặc dù Nhật Bản đang ở trong tình trạng thiếu trẻ em, nhưng thực trạng trẻ em đợi nhà trẻ (cha mẹ muốn gửi con nhưng không được do thiếu nhà trẻ) là vấn đề đã tồn tại suốt 20 năm qua ở Nhật Bản. Tính đến tháng 4 năm 2020, có khoảng 12.000 trẻ em đang ở trong danh sách chờ đợi nhà trẻ ngay cả khi chúng muốn vào trường mẫu giáo được cấp phép hoặc cơ sở giáo dục dành cho trẻ em được chứng nhận. Nguyên nhân được cho là thiếu người chăm sóc trẻ, thiếu cơ sở nhà trẻ và lương bổng dành cho giáo viên mầm non quá thấp.
Trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP, thủ tướng Suga tuyên bố sẽ “chấm dứt vấn đề trẻ em đợi nhà trẻ”. Ông nói: “Chúng tôi sẽ gia tăng số lượng các trường mẫu giáo và nhà trẻ”.
Hiện tại, các biện pháp của ông Suga vẫn chưa rõ ràng nhưng hi vọng trong thời gian tới, nhiều cơ sở mầm non, nhà trẻ cùng với chính sách lương bổng đãi ngộ được tăng cường, vấn nạn trẻ em chờ đợi nhà trẻ sẽ được giải quyết phần nào. Khi đó, các bà mẹ sẽ yên tâm hơn khi gửi con để có thể tiếp tục đi làm, và khiến họ có cảm giác rằng việc cân bằng giữa cuộc sống và nuôi dạy con cái là điều có thể. Chứ không phải con cái là một chướng ngại, có con thì phải hi sinh công việc.
Chính sách áp dụng bảo hiểm trong điều trị vô sinh
Hiện tại, cứ 16 trẻ trên toàn quốc thì có 1 trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Với mức chi phí là 100.000 Yên mỗi lần, đây thực sự là một gánh nặng, ảnh hưởng đến sự cân nhắc có con đối với nhiều gia đình. Theo luật, ngoại trừ một phần chi phí nhỏ, phương pháp điều trị vô sinh sẽ không được áp dụng bảo hiểm y tế công cộng. Vào tháng 10 năm 2020, nhằm chống lại vấn nạn tỷ lệ sinh giảm, Thủ tướng Suga công bố chính sách áp dụng bảo hiểm trong điều trị vô sinh mang lại nhiều niềm vui cho các cặp vợ chồng bị hiếm muộn.
Chính sách giảm gánh nặng tài chính trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái
Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Quốc gia, lý do phổ biến nhất khiến các cặp vợ chồng không muốn có con là do “tốn quá nhiều chi phí để nuôi dạy và giáo dục.” Đối diện với thực trạng này, vào tháng 5 năm 2020, từ thời ông Abe, chính phủ đã tiến hành sửa đổi đề cương biện pháp chống lại tỷ lệ sinh giảm và có kế hoạch xem xét mở rộng phạm vi giáo dục đại học miễn phí cho những người có thu nhập trung bình và mở rộng trợ cấp trẻ em hơn (hiện tại chỉ giới hạn cho trẻ em đến khi lên trung học cơ sở). Trong nhiệm kì mới của Thủ tướng Suga, dự kiến nhiều cuộc thảo luận sẽ được tổ chức để xem xét việc thực thi chính sách sao cho có thể đảm bảo các nguồn tài chính khác.
Thúc đẩy chính sách nghỉ chăm con của nam giới
Trong thời đại ngày nay, hơn 70% phụ nữ đi làm. Thực tế, khi phụ nữ Nhật có con, với quan điểm cũ, nhiều người cho rằng việc nuôi dạy con cái chỉ dành cho phụ nữ, dẫn tới rất nhiều trường hợp phụ nữ phải từ bỏ vị trí công việc của mình hoặc chấp nhận làm công việc giản đơn khác. Đó cũng là một trong lí do khiến phụ nữ Nhật ngần ngại từ bỏ thiên chức làm mẹ của mình.
Trong tiếng Nhật, hiện đang lưu hành cụm từ “ikumen”, ý chỉ đến nhiều ông bố sẵn sàng nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, đã 30 năm kể từ khi hệ thống nghỉ phép chăm sóc trẻ em được ban hành vào năm 1991. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới nghỉ chăm con vẫn chưa đến 10%. Theo Điều tra cơ bản của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi về Việc làm Bình đẳng, tỷ lệ nghỉ việc chăm sóc trẻ em trong năm 2019 là 7,48% đối với nam giới, tăng 1,32 điểm so với năm trước và 83,0% ở nữ giới, tăng 0,8 điểm so với năm trước. Tất cả đều có xu hướng tăng, nhưng tỷ lệ nam giới nghỉ chăm con nhìn chung vẫn còn ở mức thấp.
Vào ngày 15 tháng 10, tại hội nghị Đánh giá An sinh Xã hội của Mọi Thế hệ, Thủ tướng Suga thông báo rằng ông sẽ xem xét giới thiệu một hệ thống khuyến khích nam giới nghỉ chăm sóc con cái sau khi vợ mình sinh con. “Chúng tôi sẽ giới thiệu một hệ thống giúp nam giới nghỉ việc chăm con một cách dễ dàng hơn”. Dự kiến, chi tiết của biện pháp này sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Đây là một nỗ lực được cho của ông Suga trong việc hướng tới mục tiêu ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm bằng cách chia sẻ việc chăm sóc con cái giữa nam và nữ.
Nhật Bản, quốc gia đã đánh mất sự khoan dung trong việc nuôi dạy trẻ em, đã không coi trẻ em là “con của xã hội” mà là “trách nhiệm của người mẹ”. Với cách suy nghĩ này, trong nhiều thập kỉ Nhật Bản vẫn là nước loay hoay với thực trạng từ “tỷ lệ sinh giảm và dân số già” đến “già không con”. Hy vọng trong thời gian tới đây, với cơ cấu mới của nội các ông Suga, vấn nạn này sẽ được cải thiện đáng kể.
Ánh Hiền
Nguồn tham khảo:
https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201020/k10012671801000.html
https://www.nippon.com/ja/currents/d00452/?cx_recs_click=true
https://www.nippon.com/ja/japan-data/h00814/?cx_recs_click=true
https://mainichi.jp/articles/20201016/ddm/005/070/061000c
https://www.huffingtonpost.jp/entry/story_jp_5f87b05cc5b6c5eccffd3002