日本での幸せライフレシピ
Khám phá văn hóa dùng đũa của Nhật Bản với khung cảnh ăn uống xưa của người Nhật
(昔の日本の食卓風景で箸文化を知る)
Có rất nhiều quốc gia sử dụng đũa chăng hạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Mông Cổ. Với Nhật Bản, đũa cũng là một văn hóa. Đũa hiện hữu trong mọi ngôi nhà và mọi gian bếp của họ. Người Nhật có thành ngữ nổi tiếng thế này, “khởi đầu bằng đũa, kết thúc cũng bằng đũa (箸に始まり箸に終わる), thể hiện một vai trò quan trọng với con người từ khi sinh ra đến khi lìa đời.
Nói cách khác, đũa bắt đầu hiện diện sớm với người Nhật khi ra đời, trong các bữa ăn hàng ngày và trong nghi lễ gắp xương khi làm truy điệu, khi dùng để cắm xuống bát cơm cúng trong đám tang. Đó không chỉ là công cụ để ăn uống mà còn liên quan mật thiết đến các nghi lễ của một đời người theo Thần đạo và Phật giáo.
Vào ngày thứ 100 sau khi ra đời, lần đầu tiên đứa trẻ sẽ được cho ăn bằng đũa nhằm cầu mong đứa trẻ được khỏe mạnh đến suốt đời. Nghi lễ này còn được gọi là “khai thực (お食い初め). Trong tiếng Nhật, “đũa” và “cây cầu” là từ đồng âm khác nghĩa. Xưa nay, người ta coi đôi đũa là vật thiêng, là một trong những cách thức kết nối Thần và người. Họ quan niệm, ăn bằng đũa là cách thức chia sẻ thức ăn với các vị Thần. Một đầu đũa là của con người và đầu kia là của các vị thần. Vào bữa ăn, hai chiếc đầu đũa chạm vào nhau như thể một cây cầu được xây dựng giữa Thần thánh và con người.
Đũa xuất hiện ở Nhật khi nào?
Vào thời kì cổ đại Nhật Bản, đũa vẫn chưa có hình dáng như bây giờ, đầu đũa được uốn cong, và nối với nhau như một chiếc nhíp. Nó được gọi là “đũa gấp (折箸 – chiết trứ)” và chỉ có thể được sử dụng bởi hoàng đế. Đũa gồm 2 chiếc lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào nửa đầu thế kỷ thứ 7. Là vật phẩm mà phái đoàn do Thái tử Seitoku cử đến Trung Quốc đã mang về Nhật từ Trung Quốc. Thói quen dùng hai đũa trong bữa ăn cũng bắt đầu từ thời điểm này. Ngoài ra, lúc đầu, đũa chỉ được làm từ tre nên phần trên của chữ Hán “箸 (đũa)” có chữ Hán nghĩa là “tre” là vì vậy.
Vào thời Heian, đũa đã được dựng lên bát cơm!
Trước hết, xin vui lòng xem bức tranh bên dưới.
Bức tranh cuộn được vẽ vào thời Heian có tên là “Bệnh thảo chỉ (病草紙) “, một tư liệu quý giá mô tả tình trạng bữa ăn của người dân thường. Bức tranh mô tả một người đàn ông bị viêm nha chu, răng của ông ta lung lay, đau đớn và không thể cắn được. Điều chú ý ở bức tranh này hình ảnh về chiếc đũa. Đôi đũa đang được cắm thẳng xuống trong bát cơm. Một hình ảnh thường được thấy trong các đám tang thời hiện đại, việc cắm đũa vào cơm trong bữa ăn như thế được cho là húy kỵ.
Tuy nhiên, vào thời đại Heian, đũa được dựng theo cách này không chỉ ở những người dân thường mà còn được thấy trong bữa tiệc mang tên “Đại hưởng (大饗)” của giới quý tộc. Có nhà nghiên cứu cho rằng, không phải tất cả những người bình thường trong thời đại Heian đều có thể ăn uống như “người đàn ông bị chứng viêm nha chu” trong bức họa này. Qua chiều dài chiếc đũa của họ, có thể thấy được độ giàu có của gia đình này như thế nào.
Ảnh hưởng của nghi lễ Thần đạo đến đôi đũa
Đũa là dụng cụ liên quan mật thiết đến các nghi lễ Thần đạo. Khi dùng đũa để làm lễ, người ta thường đặt cẩn thận trong một vật dụng đựng đồ khác gọi là “giá gác đũa”. Giá gác đũa là một vật đặc biệt được sử dụng trong các nghi lễ của Thần đạo, và vào thời Heian, mọi người từ quý tộc đến bình dân thường vẫn để đũa vào bát cơm trong bữa ăn chứ không dùng giá gác đũa. Người ta tin rằng những chiếc giá gác đũa được bắt đầu sử dụng kể từ thời kỳ Edo.
Tuy nhiên, nó không quá phổ biến vào thời Edo, chỉ khi văn hóa phương Tây du nhập vào thời Minh Trị, gia đình bắt đầu quây quần bên một chiếc bàn, do cân nhắc đến yếu tố vệ sinh, giá gác đũa mới bắt đầu được sử dụng một cách nghiêm túc. Ngày nay, có rất nhiều loại giá gác đũa hay hộp đựng đũa được bày bán như một cách để tiếp đãi khách hàng và làm tăng tính thẩm mỹ trên bàn ăn.
Và nếu quan sát, bạn sẽ thấy rằng nhiều người Nhật kiêng kị dùng chung đũa với người khác kể cả là người trong cùng một gia đình. Mỗi người thường có đôi đũa dùng riêng cho cá nhân, chỉ là vật thiêng của chính mình. Điều này xuất phát từ quan niệm, đũa còn là vật thiêng như chiếc cầu kết nối với thần linh vẫn còn trong tâm tưởng cho đến ngày nay.