日本での幸せライフレシピ
Ginza, thành phố là nơi “đáng sống” của loài ong
(-銀座- 蜂にとって「生きる価値のある」街-)
Nói đến Ginza, chúng ta thường nghĩ ngay tới sự sang trọng, hiện đại của các cửa hàng bách hóa sầm uất, nhà hàng cao cấp hay các câu lạc bộ đêm thời thượng bậc nhất ở xứ sở hoa anh đào. Đó là nơi hầu như mọi thương hiệu hàng đầu về thời trang và mỹ phẩm đều có mặt. Thế nhưng, những năm gần đây, Ginza còn được mệnh danh là “thành phố đáng sống của loài ong”. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng ẩn chứa đằng sau là một câu chuyện ý nghĩa và cực kì thú vị.
Từ năm 1612 đến năm 1800, trước khi được đặt tên là Ginza, khu vực này vốn dĩ là một xưởng đúc tiền bạc (Ginza có nghĩa là “xưởng bạc” trong tiếng Nhật). Sau trận Động đất Kanto năm 1923, Ginza được quy hoạch và phát triển thành khu mua sắm cao cấp của Tokyo. Trong khi đó, theo tài liệu ghi chép của bộ sách cổ Nihon Shoki (bộ sách cổ về lịch sử Nhật Bản được biên soạn vào năm 720), mật ong đã được người Nhật yêu thích từ rất xa xưa. Và nghề nuôi ong được cho là hình thành vào từ thời Edo.
Khi nghĩ về ong, hầu hết mọi người đều tưởng tượng đến hình ảnh các con ong đang luồn lách qua những cánh đồng hoa rộng lớn, với những người nuôi ong đeo lưới toàn thân chăm sóc tổ ong trên bối cảnh đồi núi trập trùng. Tuy nhiên, tổ chức phi lợi nhuận Ginza Honey Bee Project đã chứng minh rằng thiên nhiên có thể phát triển ngay trên đầu chúng ta.
Ginza Honey Bee Project hay còn được gọi là Ginpachi được thành lập vào năm 2006 bởi một số người quan tâm đến việc đưa thiên nhiên trở lại Tokyo. Atsuo Tanaka, một trong những thành viên sáng lập của tổ chức – và là chủ tịch hiện tại – cho biết dự án bắt đầu một cách tình cờ. Kế hoạch ban đầu là cung cấp không gian trên mái nhà của trung tâm cộng đồng Pulp and Paper Hall do ông quản lý, cho một người nuôi ong nổi tiếng từ Iwate Prefecture. Sau nhiều lần dọn dẹp tổ ong thường xuyên vào cuối tuần, anh và những cộng sự bỗng nghĩ ngay đến việc triển khai việc nuôi ong trên mái nhà có quy mô và chuyên nghiệp hơn.
Tại sao lại nuôi ong trên nóc tòa nhà?
Không chỉ ở Nhật Bản, việc nuôi ong theo truyền thống cũng bị giảm đi đáng kể trên toàn cầu do những thay đổi về môi trường. Trong khi đó, nghề nuôi ong giữa thành phố chẳng hạn như nuôi trên nóc tòa nhà lại âm thầm phát triển và lan rộng khắp Nhật Bản trong 10 năm trở lại đây. Việc nuôi ong không chỉ lan rộng ở Ginza, mà còn lan rộng ở các khu vực đô thị như Nagoya và các đô thị khác trên khắp Nhật Bản. Ước tính, có khoảng 100 dự án nuôi ong đô thị trên khắp Nhật Bản, từ Hokkaido đến Okinawa. Là nơi có bề dày lịch sử lâu đời trong việc kết hợp những điều mới mẻ của phương Tây, Ginza trở thành “thành phố” điển hình của việc áp dụng hình thức nuôi ong mới mẻ này.
Bằng cách thiết lập các tổ ong với khu vườn đô thị, dự án Ginpachi cho thấy rằng thiên nhiên không phải là thứ tồn tại ngoài tầm với hàng ngày mà có thể tồn tại trong các thành phố và thị trấn. Làm vườn trong không gian không sử dụng ở trên cao không chỉ giúp làm xanh khu vực mà còn có thể giúp hồi sinh và mang lại mục đích mới cho các phố mua sắm. Nhìn về tương lai, Ginpachi dự định cải thiện khả năng tiếp cận vào trẻ em, để trẻ em ở các đô thị quan tâm đến côn trùng và thiên nhiên hơn.
Tại sao nói Ginza là hành phố là nơi “đáng sống” của loài ong?
Đọc đến đây có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc rằng, với một nơi như Ginza, nơi không có rừng và đồng ruộng thì ong mật trong thành phố đi lấy mật ở đâu? Thực tế, khu vực xung quanh Ginza là vùng có nhiều hoa nở rộ. Nguồn mật chính của ong mật ở Ginza là hoa anh đào xung quanh Tsukiji, hoa cải ở công viên Hama-rikyu, hoa từ cây gỗ bạch dương ở các con đường bên trong khu cung điện, hay hoa hoa dẻ ngựa Nhật từ các cây được trồng ở Kasumigaseki. Ở các công viên xung quanh Hoàng cung và ở trung tâm thành phố, cây cối thường được trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu nên đó là môi trường khá lí tưởng cho loài ong mật sinh sống.
Thời vụ chính để lấy mật là từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm nhất là vào tháng 5 sau mùa hoa anh đào nở rộ. Màu sắc, hương vị và độ ngọt của mật ong thay đổi tùy theo mùa và tùy thuộc vào loài hoa mà các loài ong tìm thấy trên những con đường dài 3 km, kéo dài đến tận các khu vườn của khu vực Hoàng cung. Vào cuối tháng 8, đúng vào thời điểm cuối vụ, mật được thu hoạch có màu hổ phách và giòn.
Mật ong sản xuất ở Ginza được tiêu thụ ở đâu?
Bên cạnh việc bán những lọ mật ong thủ công tại L’Abeille ở Matsuya Ginza (giá từ ¥ 1.600 chưa bao gồm thuế), Ginpachi thường xuyên hợp tác với các doanh nghiệp khác có trụ sở tại Ginza, tạo ra một chu trình từ trang trại đến “bàn ăn giới hạn” ở Tokyo. Thực phẩm đi từ trang trại đến bàn ăn trong vòng chưa đầy 1 km là điều mà chúng ta thường liên tưởng đến các trang trại nông thôn, chắc chắn không phải là những khu dân cư cao chọc trời, nhưng Ginpachi cho thấy rằng ngay cả ở đô thị, điều đó cũng có thể trở thành hiện thực.
Ví dụ, mật ong do tổ ong Ginpachi sản xuất được sử dụng để làm bánh ở tiệm bánh của Bulgari, sau đó được bán tại cửa hàng bách hóa Matsuya Ginza gần đó. Bar Takasaka dùng mật ong Ginza để pha chế các loại cocktail theo chủ đề sakura vào mùa xuân. Nhà sản xuất bánh Wagashi Gokokuya sử dụng mật ong thơm ngon được thu hoạch vào mùa xuân của Ginpachi để làm ra thạch yōkan đặc biệt, trong khi một số loại bánh bông lan Kasutera nổi tiếng của Bunmeido lại dùng mật ong để tăng hương vị. Hoặc bạn có thể ghé vào quán cà phê ở tầng 1 của Pulp and Paper Hall để thưởng thức một số đồ uống được pha chế từ mật ong. Ngoài ra, mật ong Ginza còn được dùng để làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm và dùng làm nến ở nhà thờ Ginza.
Hơn 60% sản phẩm nông nghiệp trên trái đất này đơm hoa kết trái do quá trình thụ phấn. Ngay cả khi chúng ta không ăn mật ong, con người vẫn đang hưởng lợi từ mật ong mà chúng ta không hề hay biết. Nuôi ong trong thành phố là một cách thức mới làm cân bằng hệ sinh thái và tạo ra sự đa dạng trong sinh học.
Đó cũng là một cách thúc đẩy việc chung sống hòa hợp giữa thành phố và thiên nhiên cùng với loài ong.