A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

CORONA ĐÃ ĐÈ BẸP NGÀNH DU LỊCH NHƯ THẾ NÀO
(コロナが日本の観光業に与えたダメージ)

Đại dịch Corona không chỉ làm tê liệt ngành hàng không thế giới, giáng những đòn chí mạng vào nền kinh tế của nhiều quốc gia, mà nó còn bao phủ một lớp màn ảm đạm bủa vây ngành du lịch toàn cầu.

Dịch bệnh bùng phát đã khiến nhiều hãng hàng không thế giới cắt giảm hoạt động. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính lượng khách luân chuyển trên toàn cầu giảm hơn 54% so với năm ngoái khiến doanh thu mất hơn 419 tỉ USD, gây khoản lỗ hơn 48 tỉ USD, trong khi năm 2019 ngành hàng không thế giới tạo ra gần 26 tỉ USD lợi nhuận.
Việc hãng hàng không quốc gia Thái Lan, Thai Airways, nộp đơn phá sản vào ngày 26/5 chính là một trong những minh chứng thực tế phản ánh cuộc khủng hoảng hàng không thế giới.

Kéo theo đó, ngành du lịch bị đẩy đến bờ vực lao đao. Chưa bao giờ ngành du lịch phải tiếp nhận một thực trạng đáng buồn như hiện nay. Những con chim sắt vốn bay không mỏi, nay lại phải nằm chờ ở những sân ga khiến cho các lượt khách quốc tế dần vắng bóng hẳn.
Trong khi đó, thị trường nội địa vẫn chưa thể phục hồi khi người dân vẫn còn tâm lý lo sợ dịch bệnh nên hạn chế du lịch. Rất nhiều ảnh hưởng nặng nề có thể nhắc đến ngay như là:

・Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo ngành du lịch Thái Lan sẽ mất khoảng 47 tỷ USD do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong khi du lịch toàn cầu có thể thiệt hại 3.300 tỷ USD.
・Ngành công nghiệp du lịch Hy Lạp có nguy cơ mất trắng 10 năm lợi nhuận trước đó, kéo theo hơn 700.000 lao động có thể mất việc làm.
・Các doanh nghiệp lữ hành trong EU sẽ tổn thất khoảng 70% doanh thu, các hãng hàng không tổn thất tới 90%, và ước tính toàn bộ ngành Du lịch châu Âu có thể thiệt hại tới 400 tỷ euro.

Đối với bức tranh của ngành du lịch Nhật Bản nói riêng, các báo cáo kinh tế đã cho thấy những con số kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Resona (Nhật Bản), du lịch Nhật Bản ước tính thất thu tới 2.360 tỷ yen (tương đương 22 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 8 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Báo cáo cũng liệt kê các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do lượng khách du lịch sụt giảm. Đứng đầu là các trung tâm mua sắm, cửa hàng hóa mỹ phẩm giảm khoảng 853,2 tỷ yên. Sau đó là các cơ sở lưu trú giảm 679,9 tỷ yên. Tiếp theo là các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống giảm 498,8 tỷ yên. Ngành vận tải thất thu khoảng 240,1 tỷ yên.

Các con số thống kê cũng cho thấy, lần đầu tiên kể từ năm 1964, Nhật Bản có lượng du khách hằng tháng giảm xuống con số dưới 10.000 lượt. Năm 2011, ngành du lịch nước này cũng gặp phải tình trạng tương tự sau thảm họa động đất, sóng thần và nhật nhân Fukushima, với 7,1 triệu lượt du khách đến tham quan, giảm 2,31 triệu lượt so với năm trước. Tuy nhiên, năm 2018, chỉ 7 năm sau thảm họa kép nói trên, lượng du khách đến đất nước Mặt trời mọc đã tăng lên 4 lần, với 31 triệu lượt khách.

Trong bối cảnh chính phủ Nhật tuyển bố gỡ bỏ việc hạn chế đi lại trên toàn quốc vào ngày 19 tháng 6 và những gói hỗ trợ du lịch được tung ra, tình hình kinh tế nói chung và du lịch nói riêng có chiều hướng khởi sắc.
Tuy nhiên, nguy cơ và thách thức vẫn còn phía trước.
Mặc dù còn quá sớm để nhận định về hậu quả kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng rất khó để tin rằng ngành du lịch toàn cầu có thể khôi phục hoàn toàn, ít nhất là cho đến khi mọi người tin là dịch bệnh đã được kiểm soát triệt để.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map