日本での幸せライフレシピ
Có gì đặc biệt trong dịp năm mới của người Nhật
(日本のお正月)
Khác với nhiều quốc gia Châu Á khác, Nhật bản đón Tết theo lịch dương 01/01. Ngày Tết ở Nhật thể hiện rõ những đặc trưng văn hoá đậm nét và đặc biệt là vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn những phong tục đặc sắc từ thời xa xưa.
Ngày 31/12 (được người Nhật gọi là Omisoka)
Đây là ngày quan trọng để kết nối một năm cũ và một năm mới. Ngày này họ dọn dẹp nhà cửa rất sạch sẽ, gọn gàng, chuẩn bị Osechi và trang hoàn nhà cửa. Họ muốn đẩy đi những vận xấu của năm cũ và đón chào một năm mới. Vào ngày này các gia đình ở Nhật Bản thường thực hiện:
●Osouji (Tổng vệ sinh)
Để chào đón các vị thần năm mới đến, nhà cửa phải được vệ sinh sạch sẽ. Ngày xưa người Nhật thường bắt đầu tổng vệ sinh vào ngày 13/12, còn đc gọi là ngày Susuharai, nhưng dạo gần đây có nhiều gia đình đến gần ngày 31/12 mới dọn dẹp. Hiện nay các thần điện, chùa chiền vẫn tổ chức các buổi lễ Susuharai linh thiêng vào ngày 13/12.
●Treo Shimenawa trước cửa nhà
Với ý nghĩa trừ đuổi ma quỷ và chào đón những vị thần, những điều may mắn sẽ đến với gia đình.
●Đặt Kadomatsu ở cạnh cửa nhà hoặc cửa công ty
Một bó Kadomatsu truyền thống được làm bằng 3 ống tre tươi, vài cành thông được xếp theo số lẻ, và những chi tiết trang trí khác để Kadomatsu được đẹp hơn.
●Giống như Việt Nam, người Nhật Bản cũng cúng tổ tiên, các vị thần vào đêm giao thừa. Nhưng người Nhật không đốt hương và vàng mã như người Việt Nam. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma lên bàn thờ, nhằm tỏ lòng thành kính, và được các thần linh phù hộ. Khi ăn sẽ dùng đũa nhọn cả 2 đầu vì cả người và thần sẽ dùng.
●Toshikoshi soba và Joya no Kane
Ăn mì trường thọ – Toshikoshi Soba – là một đặc trưng vào đêm Omisoka.
Ngày 1/1 –Gantan
Đây là một ngày quan trọng, đánh dấu sự bắt đầu của một năm mới.
Người ta quan niệm rằng, xem mặt trời mọc vào ngày này là việc làm tốt nhất để chào đón một năm mới thịnh vượng, may mắn và tốt đẹp.
Tết cổ truyền Oshougatsu diễn ra từ ngày 1 đến 3-1. Cũng tương tự như Tết cổ truyền tại Việt Nam, trong các ngày Oshougatsu người Nhật cũng cúng tổ tiên, viết bưu thiếp, lì xì cho trẻ em và đi lễ chùa…
Mồng 2 và các ngày tiếp theo
Các hoạt động như viết thư pháp, võ, lễ hội trà đạo, ngắm hoa sẽ diễn ra, những ngày tiếp theo thì tùy theo mỗi gia đình, theo sở thích, kế hoạch riêng của họ, đi chơi hay đi du lịch ngắn ngày.
Chơi những trò chơi dân gian: Đây là hoạt động được nhiều người tham gia và tỏ ra thích thú. Các trò chơi mà người Nhật Bản hay chơi vào dịp năm mới là thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi…
Khác với một số nước khác, viếng thăm nhà của người thân, bạn bè không phải là hoạt động phổ biến của người Nhật bởi quan niệm Tết là dịp sum vầy, đoàn viên nên Tết Nhật Bản hầu như chỉ khép kín trong gia đình, ngoài ra ở Nhật không có truyền thống đốt pháo ngày Tết nên không khí năm mới tương đối bình lặng.