日本での幸せライフレシピ
CHIA SẺ KINH NGHIỆM TỰ THÁO LẮP VÀ VỆ SINH LỒNG GIẶT VÀ MÁY ĐIỀU HÒA
(自分でエアコンと洗濯機を掃除する方法)
Do công việc bận rộn hoặc nhiều lý do khác người dùng thường ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh các thiết bị máy móc trong gia đình định kỳ. Trong quá trình sử dụng các thiết bị điên tử như máy giặt và máy điều hòa rất dễ bị bám bụi bẩn, chất dơ ở bên trong thân máy. Dù bằng mắt thường thì các máy này vẫn hoạt động nhưng việc tích tụ chất dơ bẩn lâu dần sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến thiết bị và cả người dùng.
Việc vệ sinh các thiết bị này rất đơn giản, không mất nhiều thời gian và công sức lại tiết kiệm được khá lớn phần chi phí bảo trì và điện năng cho gia đình. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách vệ sinh thiết bị máy giặt và máy điều hòa gia đình:
Vệ sinh lồng giặt của máy giặt
Sau một thời gian dài giặt giũ, nhiều bụi bẩn, nấm mốc và cả vi khuẩn sẽ đọng lại và ẩn nấp cả bên trong lẫn bên ngoài thành lồng giặt. Điều này sẽ khiến quần áo giặt không được sạch và thậm chí gây mẩn ngứa, dị ứng da cho các thành viên trong gia đình bạn.
Ở Nhật thường có rất nhiều sản phẩm ngâm tẩy lồng giặt định kỳ, kèm theo việc vệ sinh lưới giặt thường xuyên tuy nhiên quần áo khi giặt không có cảm giác sạch và hay gây kích ứng da, nhất là đối với những gia đình có trẻ sơ sinh. Nếu như thuê dịch vụ để vệ sinh thì cũng mất tối thiểu 6.000 yên đến 10.000 yên. Việc tháo lắp lồng giặt hoàn toàn có thể tự làm được tại nhà, kể cả phụ nữ cũng có thể làm được:
Chỉ với đồ nghề vô cùng đơn giản có thể mua được ở các siêu thị gia dụng hoặc amazon có tên là ボックスソケット, có chỗ gọi là ボックスレンチ. Tuy nhiên cần lưu ý đến kích thước size ốc vít của lồng giặt để mua cho phù hợp. Máy giặt trong hình sử dụng bộ dụng cụ vặn ốc size 10mm.
- Trước tiên cần ngắt nguồn điện để đảm bảo an toàn sau đó vệ sinh vỏ máy, thân máy bằng khăn sạch. Bên cạnh đó, bạn cũng cần vệ sinh cho các ngăn đựng bột giặt và nước xả.
- Vệ sinh lồng máy giặt: Bạn sẽ lần theo các ốc để dùng dụng cụ tháo lồng ra để vệ sinh. Sau khi tháo lồng giặt ra, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về độ bẩn của lồng giặt mà mình từ trước đến nay, mặc dù đã dùng các sản phẩm tẩy rửa định kỳ và bật chế độ vệ sinh lồng giặt tự động của máy (nếu có).
- Sau khi tháo và làm vệ sinh sạch sẽ cho các bộ phận trên, bạn sẽ lắp ráp lại như ban đầu.
Theo các chuyên gia, các gia đình nên làm vệ sinh lồng giặt bằng việc ngâm tẩy lồng giặt 2 tuần 1 lần và khoảng vài 3 đến 6 tháng cần vệ sinh lồng giặt 1 lần. Tuỳ vào nhu cầu sử dụng máy giặt nhiều hay ít, số lượng quần áo cũng như độ bẩn của quần áo. Những gia đình có người làm cơ khí hoặc làm xây dựng, làm ruộng thì sẽ giặt nhiều đồ bẩn hơn thì khả năng lồng giặt cũng mau bẩn hơn bình thường.
Ngoài lồng giặt, các bạn cũng cần chú ý làm vệ sinh cho các bộ phận khác trong máy giặt như: hộp lọc xơ vải, hộp chứa xà phòng, hộp chứa nước xả vải… nhằm hạn chế tối đa khả năng sinh sôi nảy nở của nấm mốc, vi khuẩn…
Vệ sinh máy điều hòa
Sau mỗi một tuần hoạt động, máy điều hòa sẽ bị giảm dần đi khả năng làm lạnh, nguyên nhân là do bụi bẩn bám vào. Hậu quả là máy điều hòa không còn đáp ứng nhu cầu làm lạnh cho gia đình, hơn nữa lại tốn nhiều điện năng hơn. Việc chiếc điều hòa liên tục hoạt động hết công suất trong một thời gian dài cũng khiến nó nhanh chóng bị giảm tuổi thọ và mau hư hỏng.
Một hiểm họa tiềm ẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy được chính là nấm mốc sinh sôi trong chiếc điều hòa sẽ liên tục di chuyển trong không khí, khiến tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị giảm sút. Thậm chí nếu tình trạng mốc sinh sôi trên diện rộng còn khiến cả căn phòng có mùi hôi thối rất khó chịu.
Chi phí mua mới và lắp đặt điều hòa tại Nhật Bản cũng khá đắt đỏ, trong khi việc vệ sinh máy điều hòa lại vô cùng đơn giản, không cần dụng cụ tháo lắp mà chỉ cần dụng cụ vệ sinh đơn giản.
Dưới đây là các bước làm sạch điều hòa để có không gian mát lạnh hơn:
Vệ sinh lưới
- Dùng tay ấn nhẹ vào các chốt để tháo bộ lọc trong máy điều hòa (Có hình dạng tấm lưới), sau đó đem ngâm trong một chậu nước lớn và dùng miếng rửa chén cọ rửa bộ lọc, để thật khô nước
Vệ sinh trục:
- Dùng khăn khô lau thật khô các bộ phận có thể lau rồi dùng bình xịt khử mốc xịt quanh trục và lưới để tránh nấm mốc sinh sôi nảy nở.
- Lấy lưới lọc đã ráo nước và nắp che của máy điều hòa lắp lại chỗ cũ, sau đó lau sạch toàn bộ phía ngoài máy là xong.
Vệ sinh máy điều hòa cần làm thường xuyên một tuần 1 lần để hạn chế tối đa bụi bẩn bám vào lưới và trục cũng như sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn.