日本での幸せライフレシピ
Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu Việt- Nhật
(日本の義理のお母さんとベトナムの嫁は一緒に暮らせるか)
Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu từ bao đời đến nay vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm nhưng không kém phần chú ý. Bởi rằng hai con người từ hai thế hệ khác nhau, ắt hẳn sẽ có những bất đồng về suy nghĩ. Nên khi báo mạng hay ai đó chia sẻ những câu chuyện về mẹ chồng tính khiến con dâu “ám ảnh” về cảnh sống chung. Tuy nhiên, có phải sống chung với mẹ chồng thì ai cũng sẽ khó chịu, không thoải mái, sợ hãi hay không? Vì mẹ chồng cũng có mẹ chồng this mẹ chồng that, theo như ngôn ngữ của giới trẻ ngày này chứ đúng không nào.
Vậy nếu sống chung với mẹ chồng người nước ngoài, đặc biệt là người phụ nữ Nhật- người vẫn luôn được nhắc đến là những người cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu, quán xuyến gia đình. Thì con dâu Việt – một người thế hệ trẻ, lại có sự khác biệt về văn hoá lẫn lối sống, liệu có sự cản trở nào “khiếp vía” ở đây không?
Để trả lời cho vấn đề trên, thì trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua cơ cấu bên trong của một gia đình kiểu Nhật sẽ là như thế nào đã nhé. Thông thường sẽ theo một hình mẫu: chồng là người đi làm bên ngoài xã hội, vợ sẽ là người ở nhà quán xuyến chuyện gia đình và con cái. Hình mẫu này được hình thành từ thế hệ xa xưa ngày trước. Vậy nên tư tưởng đó của người Nhật cũng khác người Việt Nam. Vì vợ chồng chia đều công việc cho nhau, nên sẽ không có khái niệm chồng nuôi vợ hay vợ ỉ lại ăn bám. Ngoài việc quán xuyến nhà cửa , đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình, và nhiều việc khác, thì người vợ còn là người tác động chính vào việc học hành của con cái. Từ việc lựa chọn trường mẫu giáo, trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 nào để có thể sau này vào được trường đại học tốt thì đều cho người vợ phụ trách và bàn bạc lại với chồng sau cùng để thống nhất ý kiến.
Dù là nội trợ ở Nhật hay ở bất cứ nơi đâu cũng vậy, khối lượng công việc khá nặng ( bao gồm không tên và có tên), nên thời gian dành cho bản thân là điều xa xỉ. Ở Nhật thì đòi hỏi mọi người làm việc với cường độ rất lớn với nhiều khắt khe luật lệ, rồi việc đi làm xa nhà cũng tốn một phần thời gian. Không khó để bắt gặp những người đi làm từ sáng sớm đến tối khuya mới về, nên việc có thể cân bằng giữa việc đi làm và quán xuyến gia đình là một thử thách đối với người phụ nữ nơi đây.
Lướt qua một vòng phố phường Facebook, không hiếm những bài đăng chia sẻ về đề tài mẹ chồng con dâu Việt Nhật. Có một điểm chung cho thấy rằng, những bài đăng hầu như lại rất ca ngợi mẹ, việc được sống với mẹ là một sự may mắn, vì có mẹ giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc, bù đắp cho cảnh lấy chồng xa xứ.
Trò chuyện với Ái Tiên, hiện đang sống với mẹ chồng được gần 3 năm. Ái Tiên chia sẻ, ban đầu không có ý định về sống cùng với mẹ chồng, vì trước đó hai vợ chồng đều đang ở riêng. Nhưng từ khi sinh con, không có ai phụ giúp, chồng thì đi làm từ sáng tới khuya muộn mới về, nên Ái Tiên đã quyết định về sống cùng mẹ, để được hỗ trợ chăm sóc. Lúc đầu thì Ái Tiên khá là lo ngại vì thói quen sinh hoạt, đồ ăn uống của mình cũng rất khác, thêm việc bé mới sinh thì luôn bị trong tình trạng bừa bộn, không biết liệu có bị đánh giá hay không?
Nhưng ngược lại với toàn bộ lo lắng của Ái Tiên, từ lúc về sống cùng đến bây giờ, mặc dù Ái Tiên có giúp đỡ mẹ nhưng mẹ luôn bảo vì con còn nhỏ, nên là cứ để mẹ làm. Mẹ chồng vẫn giữ thói quen dậy thật sớm để giặt giũ phơi phóng quần áo, và làm đồ ăn sáng cho cả gia đình chào đón ngày mới, và những bữa ăn trưa lẫn tối thơm ngon. Quần áo khi đã khô, luôn được gấp gọn gàng để vào trong phòng cho con cái, nhà cửa luôn dọn dẹp ngăn nắp mà không hề phàn nàn. Trái ngược lại rất thông cảm cho con dâu vì đang trong độ tuổi còn trẻ nhưng đã làm mẹ, còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Nên Ái Tiên cho biết, tuy sống với mẹ chồng, nhưng cô cảm nhận như đang sống chung với chính mẹ đẻ của mình vậy, hai mẹ con luôn thủ thỉ tâm sự và hỗ trợ cho nhau, thi thoảng Ái Tiên cũng mua quà tặng mẹ, hoặc 2 mẹ con sẽ rủ nhau đi ăn những món ăn thật con để giải toả căng thẳng việc nhà.
Thử thách lớn nhất trong cuộc sống hôn nhân có lẽ là việc kết thân với chính thông gia của mình. Dù đây là điều kiện cần phải có ở cả vợ lẫn chồng, nhưng người đối mặt với nhiều khó khăn hơn thì có lẽ là phụ nữ.
Vậy để khắc phục bài toán mẹ chồng nàng dâu muôn đời, ngoài việc bạn nên là người chủ động tiếp cận với thái độ chân thành, gần gũi, niềm nở thì cũng nên hạn chế sự so sánh giữa việc mẹ đẻ và mẹ chồng. Hãy tôn trọng họ, tập làm quen với nếp sống sinh hoạt của họ, yêu thương họ để bạn được nhận lại những điều tương tự.
Đặc biệt hơn mỗi khi có mâu thuẫn, nàng dâu chúng ta nên nhớ rằng điều đó xuất phát từ việc cả hai chưa thực sự hiểu nhau, chưa lắng nghe nhau. Nên trong trường hợp đó, hãy bình tĩnh để ứng xử thật khéo léo và tìm ra lối thoát cho cả hai.
Hi vọng với những thông tin trên, có thể giúp các nàng dâu biết được cách cư xử khéo léo hơn để giữ mối hoà khí êm ấm với mẹ chồng. Chúc gia đình các bạn luôn hạnh phúc và ngập tràn niềm vui trong cuộc sống.