A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

TẠI SAO BỘ TRUYỆN TRANH TSUBASA VÀ VĂN HÓA MANGA NHẬT BẢN ĐƯỢC YÊU THÍCH TRÊN TOÀN THẾ GIỚI?
(なぜ「キャプテン翼」が世界で愛されているか)

Nếu là một người yêu thích bóng đá và đam mê manga của Nhật Bản, chắc hẳn bạn đã từng xem hoặc nghe đến cái tên “Captain Tsubasa (Đội trưởng Tsubasa)”. Không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản, Đội trưởng Tsubasa còn là tác phẩm được yêu thích trên toàn thế giới, châm ngòi cho sự bùng nổ của bóng đá Nhật Bản. Thậm chí các cầu thủ bóng đá danh tiếng như Messi, Jidane…cũng từng thừa nhận mình chịu nhiều ảnh hưởng từ Tsubasa. Tại sao bộ truyện tranh Tsubasa và văn hóa Manga Nhật Bản được yêu thích trên toàn thế giới? Mời bạn đọc bài viết sau.

Đôi nét về bộ truyện tranh “Captain Tsubasa”

Ở Việt Nam, “Captain Tsubasa” được dịch thành “Tsubasa Giấc mơ sân cỏ” hay “Đội trưởng Tsubasa”. Là bộ truyện tranh của tác giả Takahashi Yoichi, được đăng trên tạp chí “Weekly Shonen Jump” – một tạp chí manga hàng tuần dành cho thiếu niên do Shueisha xuất bản. Bộ truyện kể về hành trình không ngừng nỗ lực của cậu bé thần đồng bóng đá Tsubasa vươn tới ước mơ, luôn khát khao theo đuổi giấc mơ và trở thành niềm cảm hứng cho nhiều thế hệ người Nhật trong một thời gian dài.

Bối cảnh lịch sử ra đời của “Captain Tsubasa”

Thập niên 1970 và 1980 là giai đoạn kinh tế Nhật Bản đạt được mức tăng trưởng cao, phục hồi thần kỳ sau sự tàn phá chiến tranh, và dường như đó là một đức tính của người Nhật khi đối mặt với khó khăn và nỗ lực. Trong giai đoạn này, các anime thể loại thể thao cũng đạt nhiều thành tựu phát triển vượt bậc. Có thể kể đến những kiệt tác hoạt hình thể thao của thời đại này như “Ashita no Joe”, “Star of the Giants”, và “Attack No. 1”.

Và bộ truyện tranh “Captain Tsubasa” (sau đó được chuyển thể thành anime) đã xuất hiện trong thập niên 1980 với bối cảnh như thế. Trẻ em thời đó rất phấn khích trước bộ phim hoạt hình được chuyển thể từ bộ truyện tranh được đăng nhiều kỳ trên Weekly Shonen Jump (Shueisha). Khi tập đầu tiên bắt đầu phát sóng vào tháng 10 năm 1983, chỉ trong nháy mắt, đã trở thành chương trình được yêu thích với tỷ lệ người xem cao khủng khiếp. Ngoài đời thực, trong công viên và sân cỏ, đâu đâu cũng thấy khung cảnh nhiều trẻ em hào hứng bắt chước các động tác đặc biệt do Tsubasa và các đối thủ của Tsubasa nghĩ ra.

Giống như những đứa trẻ Nhật Bản bình thường khác, thuở nhỏ tác giả bộ truyện tranh Takahashi Yoichi thích bóng chày và cực kì thích vẽ. Khi học năm thứ 3 trung học, ông đã xem xem giải đấu World Cup Argentina (1978) trên tivi và nhận ra rằng bóng đá thật thú vị. Thời đó, bóng đá vẫn chưa thịnh hành lắm ở Nhật Bản. Thậm chí vào thời điểm này, ít người Nhật biết rằng bóng đá là một môn thể thao toàn cầu. Thậm chí, ngay cả từ” World Cup vẫn chưa không được sử dụng rộng rãi.

Mặt khác, trong giai đoạn này, phim hoạt hình thuộc nhiều thể loại của Nhật Bản cũng được tích cực xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được trẻ em ở các nước sở tại rất ủng hộ. “Captain Tsubasa” đã được phát sóng tại các quốc gia yêu bóng đá trên thế giới như Châu Á, Châu  Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Châu Phi. Đặc biệt, nó chiếm được trái tim của các chàng trai đến từ các cường quốc bóng đá châu Âu, trung tâm là Pháp và Ý. Cựu đội tuyển quốc gia Pháp Zidane là một trong số đó. Các thành viên đội tuyển quốc gia Ý tham dự World Cup 2006 tại Đức thậm chí đã tuyên bố rằng hầu hết các cầu thủ, bao gồm Alessandro Del Piero, Francesco Totti và Andrea Pirlo, đều bị “ảnh hưởng bởi Đội trưởng Tsubasa”. Ngoài ra, Fernando Torres (Tây Ban Nha) và Lionel Messi (Argentina) hai siêu sao của câu lạc bộ Barcelona, đã từng phát biểu rằng “Tôi rất vui khi có thể chơi cùng đội với Tsubasa (Tsubasa trong truyện tranh từng chơi cho Barcelona).”

Tại sao “Captain Tsubasa” và Văn hóa Manga – Anime Nhật Bản được yêu thích trên toàn thế giới?

Trong bài phỏng vấn được đăng trên Nippon.com, chính tác giả Takahashi Yoichi giải thích thế này: “Tôi nghĩ một trong những lý do chính là do Nhật Bản có một môi trường mà truyện tranh chất lượng cao có thể phát triển trong đó. Manga ngoại truyện (Story Manga), được sinh ra ở Nhật Bản, đã phát triển vượt bậc do có được một nơi để công bố nó là tạp chí manga. Ban đầu chúng được công bố trên tạp chí hàng tháng, sau đó là trên tạp chí hàng tuần, và các họa sĩ manga chỉ tiếp tục vẽ khoảng 20 trang mỗi tuần. Tôi nghĩ rằng sự ra đời và chấp nhận của nhiều tạp chí manga hàng tuần đã tạo thúc đẩy hình thành nền văn hóa này. Đó là lý do tại sao, trong thời kỳ hoàng kim của “Weekly Shonen Jump”, có khi mỗi số hàng tuần đã xuất bản được hơn 5 triệu bản. Nếu nhiều người đọc manga, chắc chắn một trong số độc giả sẽ muốn vẽ manga. Hệ thống này có lẽ là duy nhất ở Nhật Bản. Và sự yêu thích về văn hóa manga trên khắp Nhật Bản cũng là một nhân tố tạo ra một môi trường thuận lợi để trở thành một họa sĩ manga. Ở Nhật Bản, hàng tuần, có rất nhiều tạp chí manga, và nếu bạn muốn vẽ, bạn có thể bắt đầu vẽ manga một cách nghiêm túc thậm chí bắt đầu ở trường tiểu học. Đây là một môi trường mà các quốc gia khác không có. Anime cũng tương tự như thế. “

Hiện nay, bóng đá ở Nhật Bản đã trở nên thịnh hành và phổ biến hơn. Giấc mơ đạt chức vô địch World Cup của Nhật vẫn chưa thành hiện thực. Biết đâu trong thời gian tới đây chúng ta sẽ thấy giấc mơ vô địch World Cup của Tsubasa như giấc mơ mà họa sĩ Takahashi Yoichi đã từng gửi gắm qua bộ truyện này.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map