日本での幸せライフレシピ
Bạn có bao giờ nghe đến thuật ngữ “shinrin-yoku (tắm rừng)”? Tác dụng và hiệu quả của việc tắm rừng
(森林浴の効果)
Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Những lúc như vậy, dành thời gian thư giãn giữa thiên nhiên yên tĩnh, tránh xa những xô bồ, ồn ào của thành phố là một giải pháp được nhiều người lựa chọn. Một trong những giải pháp đó, không thể không nhắc đến shinrin-yoku.
Shinrin-yoku nghĩa là gì?
Shinrin-yoku (森林浴-sâm lâm dục) là một thuật ngữ được Tomohide Akiyama, Tổng giám đốc Cơ quan Lâm nghiệp thuỷ sản Nhật Bản đặt ra vào năm 1982 khi đề xướng một phương thức khai thức rừng bên cạch việc khai thác gỗ. Trong tiếng Nhật, thuật ngữ này bao gồm ba chữ Hán. Chữ đầu tiên (森-lâm) là ký tự bao gồm ba cây, có nghĩa là “rừng”; chữ thứ hai (林 – lâm) được cấu thành bởi hai cái cây, đề cập đến sự kết nối lẫn nhau của khu rừng, và 浴 (dục) là kí tự chỉ một trạng thái chìm đắm bởi điều gì đó xung quanh bạn, nghĩa đen là tắm.
Gần đây “Shinrin-yoku” (tắm rừng) nhận được nhiều chú ý trong lĩnh vực y tế. “Y học Rừng (Forest Medicine) là ngành nghiên cứu mới trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng và đang được công nhận như là khu vực nghiên cứu mới trong lĩnh vực miễn dịch học. Trên thực tế, Trường Y Nippon đã dành nhiều ngân sách để thành lập lĩnh vực nghiên cứu này,” tiến sĩ Qing Li, Phó Giáo sư tại Khoa Vệ sinh và Y tế Công cộng của Trường Y Nippon cho biết trong một dự án nghiên cứu. Từ năm 2005, nhóm nghiên cứu của ông Li đã tiến hành nghiên cứu thực địa về y học rừng và đã đưa ra nhiều kết quả khả thi trong lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng nghiên cứu tác động của các chuyến đi trong rừng đối với chức năng miễn dịch của con người.
Tại sao shinrin-yoku lại phát triển ở Nhật Bản?
Nhật Bản là một dân tộc yêu quý và tôn trọng thiên nhiên. Văn hóa truyền thống của Nhật Bản dựa trên sự hiểu biết sâu sắc và kết nối với thiên nhiên. Người Nhật cúi đầu trước những bông hoa trước khi họ làm ikebana. Toshiro Kawase, nghệ sĩ ikebana hiện đại có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản, từng phát biểu rằng, ikebana giúp người ta nhận ra rằng “toàn bộ vũ trụ được chứa trong một bông hoa duy nhất. ”
Văn hoá cổ đại của Nhật Bản tôn kính các vị thần cư ngụ trong thiên nhiên, như thần núi, thần đá, thần sông và thần cây cối. Từ thế kỉ thứ 8, các thầy tu thuộc phái Phật Giáo tu khổ hạnh trên núi (Shugendo), hay những ẩn sĩ khổ hạnh trên núi Nhật Bản (Yamabushi) đã theo đuổi những sức mạnh tâm linh qua việc tu hành khổ hạnh ở trong rừng núi. Các Yamabushi tin rằng chân lí cao nhất tồn tại trong tự nhiên. Khi đó, Shugendo là một con đường giúp con người loại bỏ những gì thừa thãi để hiểu bản thân hơn thông qua việc hòa mình thế giới tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu hiện đại đã xác nhận điều này bằng khoa học và dữ liệu về những gì mà các nhà khổ hạnh tôn giáo đã nhận biết từ hàng thế kỉ trước. Và Tomohide Akiyama là một trong những nhà nghiên cứu tiên phong về tác dụng tăng cường miễn dịch của phytoncides, loại tinh dầu tiết ra từ một số loại cây và thực vật, khi ông lần đầu tiên đề xuất “shinrin-yoku” vào năm 1982. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu ra đời, tập trung tìm hiểu vào việc giảm căng thẳng và các lợi ích cải thiện tâm trạng khi tiếp xúc với phytoncides trong tự nhiên.
Tại sao liệu pháp tắm rừng đang ngày càng trở nên được yêu thích?
Trong xã hội hiện đại, lối sống của con người đang dần tách biệt khỏi thiên nhiên. Việc bị tách khỏi thiên nhiên là một trong những nhân tố tạo nên sự căng thẳng. Đặc biệt là vấn nạn rối loạn tâm lý và trầm cảm ở trẻ em. Các nhà nghiên cứu tác dụng Shinrin-yoku đã tiến hành một thử nghiệm với các học sinh trung học, yêu cầu nhóm đối tượng quan sát, xem hoa hồng và một số cây có lá. Kết quả thu được rằng, chỉ bằng cách nhìn vào cây cối đã khiến trẻ em có thể thư giãn về mặt sinh lý.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ngộ nhận về shinrin-yoku. “Tắm rừng” có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp xây dựng một cơ thể đề kháng, ít bị bệnh tật, giảm huyết áp và trầm cảm. Tắm rừng không thể chữa khỏi các bệnh như ung thư. Tất nhiên, nếu bạn tắm rừng khi đang bị cúm, việc ở trong rừng (lạnh) có thể khiến căn bệnh trở nên trầm trọng.
Hiện nay, có rất nhiều chương trình “tắm rừng” khác nhau đang được phát triển ở Nhật Bản. Từ những hoạt động cơ bản như đi bộ, hít thở sâu, đi bộ kiểu Bắc Âu (Nordic walking), ôm một cái cây, yoga, thiền, dã ngoại, cho đến các hoạt động lớn như ngắm bầu trời đêm, quan sát mây, chơi đùa dưới nước, ngắm thác nước và thưởng thức các buổi hòa nhạc trong rừng.
Rõ ràng, “Shinrin-yoku” hay tắm rừng không phải là điều mới mẻ đối với người Nhật. Vì trong nhiều thế kỉ, người Nhật thích đi tản bộ trong rừng. Trong số các nước phát triển, tỷ lệ đất có rừng của Nhật Bản đứng thứ hai trên thế giới sau Phần Lan, do đó, có thể nói rằng Nhật Bản là một trong những quốc gia có nhiều rừng nhất trên thế giới và là nơi thuận lợi để phát triển và phổ biến phương pháp trị liệu shinrin-yoku.