日本での幸せライフレシピ
Bệnh trầm cảm tại Nhật đang được nhìn nhận như thế nào?
( 日本ではうつ病はどのような目に見られるのか? )
Lật dở lại những ngày lập quốc của Xứ Phù Tang, bệnh tâm lý đã từng bị xem nhẹ và đôi khi bị kì thị trong xã hội. Năm 1900, Luật pháp Nhật Bản có điều khoản quy định những người mắc bệnh tâm lý phải cách ly khỏi xã hội và bị giam giữ trong chính ngôi nhà mình. Trầm cảm dường như đã từng, thậm chí đang vẫn là một vấn nạn trong xã hội Nhật Bản. Một nhà sản xuất truyền hình đã từng cho rằng: “Những công chức, những nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng tại Nhật nói chung, luôn phải giữ cho hình ảnh và tên tuổi của mình tránh xa hai chữ “trầm cảm”. Bởi một khi bạn đã trở thành một người có vấn đề về tâm lý, sự nghiệp của bạn sẽ dần dần xuống dốc”.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và những xoay vần của nền kinh tế, người dân Nhật ngày càng được hưởng một cuộc sống đáng ngưỡng mộ bậc nhất về vật chất nhưng cũng chính vì thế mà áp lực xã hội tăng gấp bội. Người ta thường nói, “không áp lực, không có kim cương” vì vậy nên có kim cương đồng nghĩa với rất nhiều hệ lụy phức tạp về tinh thần từ những vụ trầm cảm cho đến tự tử thương tâm: khi thì nạn nhân được tìm thấy bên cánh rừng, khi thì nhỏ bé vắt ngang ray tàu điện, khi thì cô độc tận cùng trong chính căn nhà của mình…
Báo cáo của Hội tâm lý và thần kinh học Nhật Bản (JSPN) cho thấy mặc dù có 14.000 bác sĩ ở Nhật Bản đang hành nghề bác sĩ tâm lý (số liệu năm 2010), những điều này dường như là không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm lý trong xã hội. Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng mạnh vì các rối loạn lo âu và trầm cảm.
Phải thừa nhận một điều, số lượng người đang phải chiến đấu với trầm cảm ngày một lớn. Người ta ước tính rằng cứ 10 người lại có 1 người đã từng trải qua trầm cảm. Nhật Bản vốn là một quốc gia có căn tính “không thích làm phiền” nên việc thừa nhận bản thân có vấn đề về tinh thần không phải là điều gì hay.
Một nghiên cứu năm 2013 đánh giá mức độ nhìn nhận của người Nhật đối với chứng trầm cảm cho thấy, ít người nghĩ rằng người ta có thể phục hồi sau các rối loạn tâm lý. Các yếu tố tâm lý xã hội, bao gồm cả sự yếu kém về bản thân, thường được coi là nguyên nhân của bệnh trầm cảm, hơn là các yếu tố sinh học. Ngoài ra, phần lớn người Nhật giữ khoảng cách xã hội lớn hơn với các cá nhân mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là trong các mối quan hệ cá nhân thân thiết.
Tại Nhật Bản, số vụ tự tử mỗi năm đã vượt quá 30.000 người trong nhiều năm liên tiếp, đã trở thành một vấn nạn trong xã hội. Không phải tất cả các nguyên nhân tự tử đều do trầm cảm, nhưng các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng hơn 60% số người tự tử có các triệu chứng trầm cảm. Trầm cảm là một căn bệnh cần được quan tâm hơn cả.
Sau những nỗ lực không ngừng, sự kỳ thị về bệnh trầm cảm ở Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều trong một thập kỷ qua, với những tiến bộ có thể trông thấy. Phải kể đến đầu tiên là truyền thông đã chú trọng đưa tin nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn những chương trình truyền hình, mở ra nhiều hơn những diễn đàn liên quan đến sức khỏe tinh thần. Ngày nay, có rất nhiều phòng khám lâm sàng ở mọi miền nước Nhật. Nhiều công ty có kế hoạch phục hồi chức năng cho những nhân viên từng bị rối loạn sang chấn hằng năm. Tại các trường học (tất cả các cấp) đã thực thi việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh, cùng với đó là có sự hỗ trợ và giải quyết kịp thời từ những giáo viên và chuyên viên tâm lý có chuyên môn. Nước Nhật đang từng bước chuyển hướng nhìn nhận và có động thái giải quyết, dù không dễ, về căn bệnh tâm lý trầm kha này.
Vậy mới thấy, bất kỳ ai cũng nên trang bị những kiến thức cơ bản về tâm lý, vì trầm cảm là căn bệnh không trừ một ai. Khi bạn hiểu, bạn sẽ không đơn độc trên hành trình của mình, và bạn cũng không vô tình làm tổn thương người khác.