日本での幸せライフレシピ
Bạn có biết cây anh đào ở Nhật cũng đang đối diện với vấn đề lão hóa?
(日本の桜も老化の問題に直面している)
“Sakura” là biểu tượng của mùa xuân ở Nhật Bản. Thông thường, hoa anh đào Nhật Bản bắt đầu nở ở khu vực phía Nam, nơi có khí hậu ấm áp, sau đó là vùng Kanto, bao gồm Tokyo, vùng Tohoku ở phía Bắc và Hokkaido. Thế nhưng, bạn có biết chăng là cây anh đào ở Nhật cũng đang đối diện với vấn đề “lão hóa”? Thật không thể tưởng tượng nếu Nhật Bản lại trở nên thiếu vắng những bóng hoa anh đào khi đi dạo dọc những con phố hay ở những bờ kè.
Cuộc khủng hoảng hoa anh đào và cây anh đào Somei-yoshino
Trước khi làm rõ điều này, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về các chủng loại hoa anh đào. Hoa anh đào là thực vật rất dễ lai ghép, cải tạo do tính đột biến đặc biệt của nó. Nếu phân loại, người ta thường chia thành hai loại chính, một là “Yamazakura (山桜 – hoa anh đào hoang mọc trên núi)”, hai là satozakura (里桜 – loại hoa anh đào được cải tiến từ yamazakura.
Vào khoảng cuối thời kỳ Edo, thời kỳ hoàng kim của hoa anh đào, ước tính có đến hơn 300 loại satozakura được lai ghép. Trong thời kì phát triển rực rỡ này, có một nghệ nhân ở làng Somei đã lai ghép thành công loại hoa anh đào mới tên là “Somei-yoshino”, là giống lai tự nhiên giữa anh đào Edohigan và anh đào Oshima. Ngưỡng mộ trước vẻ đẹp rực rỡ của “Somei-yoshino”, giới chuyên môn trong thời kì này quyết định tăng giống hoa anh đào này để để lại cho hậu thế, nhưng hoa anh đào không thể lai với cùng một gen. Nói cách khác, bạn không thể tạo hạt từ những bông hoa cùng một cây. Vì vậy, họ quyết định ghép cây và trồng khắp nơi. Với phương pháp này, có thể lai ghép giống cùng một gen nên Somei-yoshino trở thành cây anh đào vô tính.
Đó là lí do tại sao cây anh đào Somei-yoshino, hiện chiếm phần lớn diện tích Nhật Bản, có thời điểm nở hoa gần như giống nhau. Dù có chút chênh lệch về khí hậu, từ phía nam (nơi có khí hậu ấm áp) cho đến phía bắc (nơi có mùa đông lạnh giá) khoảng thời gian hoa anh đào nở không chênh lệch đánh kể.
Cuộc khủng hoảng thứ nhất của hoa anh đào
Cây anh đào Somei-yoshino được sinh ra vào khoảng cuối thời Edo nhưng lan rộng khắp đất nước kể từ thời Minh Trị. Đó là giống cây có tuổi đời phát triển rất nhanh chóng. Sau khi được gieo trồng đã ra được hoa từ những cây non vài năm tuổi, và trở thành cây lớn trong vài thập kỷ. Bên cạnh hàng trăm loại hoa anh đào satozakura, nhiều người Nhật rất yêu thích vẻ đẹp loại hoa anh đào này.
Tuy nhiên, thực tế chính chính phủ Minh Trị đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phổ biến của Somei-yoshino. Trong công cuộc duy tân Minh Trị được tiến hành triệt để và rộng khắp, những giá trị và di sản của thời Edo đã bị phá hủy, và hoa anh đào cũng không ngoại lệ. Thậm chí những cây hoa anh đào hoang yamazakura nổi tiếng cũng bị chặt đi để thay thế cây anh đào loại Somei-yoshino, từ đó hoa anh đào trên toàn nước Nhật được thay thế bằng cây anh đào Somei-yoshino với một màu duy nhất.
Cuộc khủng hoảng thứ hai trong lịch sử xứ sở hoa anh đào Nhật Bản
Bất chấp tất cả những nỗ lực để giữ những hạt giống hoa anh đào, khi Đại thế chiến thứ hai bắt đầu, những cây anh đào trên khắp Nhật Bản lần lượt bị đốn hạ và biến mất để làm củi đốt. Sau năm 1945, nước Nhật bại trận, Nhật Bản rơi vào cảnh hoang tàng. Nhiều cây giống cây anh đào Somei-yoshino đã được trồng trên các cánh đồng bị cháy trên khắp Nhật Bản, với hy vọng phục hồi nhanh chóng sau sai lầm và cuộc thảm họa lớn. Mỗi khi có lễ kỷ niệm gì đó, những cây giống của giống hoa anh đào này lại được chọn để trồng, từ đó cây anh đào Somei-yoshino lan rộng ra khắp đất nước lúc nào không hay.
Trong đó, phải kể đến công lao của Hiệp hội hoa của Nhật Bản, đơn vị đã góp phần tạo nên những điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật Bản, và đã cung cấp hơn 2 triệu cây giống cây anh đào Yoshino trên khắp cả nước kể từ khi cơ sở được thành lập vào năm 1962.
Cuộc khủng hoảng thứ ba trong lịch sử xứ sở hoa anh đào ở Nhật Bản hiện nay!
Những cây anh đào Somei-yoshino, được trồng đồng loạt sau chiến tranh thứ 2, chiếm hơn 80% số lượng hoa anh đào ở Nhật Bản, hiện đang phải đối mặt với vấn đề già cỗi. Cây anh đào Somei-yoshino được biết đến với ưu điểm có tốc độ phát triển nhanh, nhưng mặt khác, tuổi thọ của cây anh đào này chỉ khoảng 60 năm và ngắn hơn so với các giống khác. Nếu được trồng thích hợp trong môi trường tốt thì có thể sống hơn 100 hoặc 200 năm. Nhưng thực tế, sau 40 năm, có nhiều cây đã bắt đầu hư hại. Các chuyên gia dự báo, trong số những cây anh đào Somei-yoshino 60 năm tuổi, 80% trong số đó dường như đã mục nát và có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.
Đặc biệt là những năm gần đây, khi môi trường ngày càng xấu đi, tuổi thọ trung bình của cây anh đào được cho sẽ ngắn lại. Là một loài cây rất mỏng manh, càng lớn tuổi, nguy cơ bị nhiễm bệng. Đặc biệt là do nhân bản bằng cách lai ghép, nên nguy cơ này càng cao. Khi một cây mắc bệnh, tốc độ lây nhiễm của cây này đến cây khác nhanh chóng.
Bạn có biết tại sao hoa anh đào lại được trồng ven sông?
Ngày xưa, khi cơ sở vật chất thủy lợi của Nhật Bản còn thiếu thốn, người ta đã nghĩ ra cách thức bằng cách trồng hoa anh đào thay cho việc xây dựng bờ kè để tiết kiệm ngân sách và ngăn chặn lũ lụt từ các con sông mỗi khi có trận mưa lớn. Khi hoa anh đào nở rộ, việc đông người đến ngắm hoa anh đào trên đất chất thành đống ở bờ sông làm đất thêm nén chặt, bờ kè vững chắc. Vì lý do này, cây anh đào được trồng ở nhiều khu vực ven sông để thay thế cho các bờ kè, và có rất nhiều điểm ngắm hoa anh đào nổi tiếng vẫn còn cho đến ngày nay như một dấu tích của quá khứ. Tuy nhiên, nếu như vấn đề lão hóa cây anh đào không được xem xét giải quyết, cảnh đẹp này sẽ sớm biến mất khỏi Nhật Bản.